Quần thể đền Borobudur – Di sản văn hóa thế giới ở Indonesia

Borobudur là một ngôi chùa hay tu viện Phật giáo Đại thừa, được xây dựng vào thế kỷ thứ 9 (ước tính kéo dài trong khoảng 75 năm và hoàn thành vào năm 825), nằm trong thung lũng Kedu, tại thành phố Magelang, tỉnh Central Java, Indonesia.

quần thể đền borobudur - di sản văn hóa thế giới ở indonesia

Tên tiếng Anh: Borobudur Temple Compounds
Địa điểm: Magelang, Tỉnh Central Java
Năm công nhận: 1991
Tiêu chí: (i)(ii)(vi)
Diện tích: 25.51 ha với vùng đệm 64.31 ha, gồm 3 địa điểm: đền Borobudur, đền Mendut, đền Pawon

Quần thể đền Borobudur được xây dựng trong thời hoàng kim của triều đại Sailendra (Shailendra Dynasty, tồn tại năm 650 – 1025). Trong thời kỳ này, triều đại Sailendra tồn tại hòa bình bên cạnh triều đại láng giềng Sanjaya (Sanjaya Dynasty, tồn tại năm 732—947). Trong khi các triều vua Sanjaya tích cực quảng bá Ấn Độ giáo (Hindu giáo; gắn với Di sản thế giới Quần thể đền Prambanan), triều đại Sanjaya lại tích cực quảng bá Phật giáo Đại thừa.

Cả hai vương triều Sanjaya và Sailendra đều duy trì mối quan hệ chặt chẽ với vương quốc Champa (tồn tại năm 192–1832) ở lục địa Đông Nam Á. Điều này minh chứng qua nhiều điểm tương đồng với phong cách kiến trúc của các ngôi đền, chùa ở miền trung Java được xây dựng dưới thời trị vì của vương triều Sanjaya và Sailendra.

Chùa bị bỏ rơi vào thế kỷ 14, liên quan đến vương quốc Java chuyển tín ngưỡng sang đạo Hồi. Năm 1814 công trình được phát hiện, được phục hồi một phần vào năm 1907-1911, phục hồi tổng thể vào năm 1975- 1982, trở thành một địa điểm khảo cổ học Phật giáo nổi tiếng.

Quần thể Chùa Borobudur nằm tại vùng đất thiêng liêng, bao gồm 3 ngôi chùa: Chùa Borobudur; Chùa Mendut và Chùa Pawon, có vị trí cùng nằm trên một đường thẳng, như là biểu tượng của 3 giai đoạn đạt được tới Niết bàn (sự giải thoát, theo giáo lý nhà Phật).

1. Chùa Borobudur

Chùa Borobudur (Borobudur Temple) có từ thế kỷ thứ chín, nằm gần thị trấn Muntilan, thành phố Magelang, tỉnh Central Java, Indonesia. Di sản có diện tích 25,38ha, vùng đệm 62,57ha.

Chùa Borobudur là một trong những ngôi chùa Phật giáo lớn nhất và hoàn chỉnh nhất trên thế giới. Công trình được xây dựng trên một ngọn đồi tự nhiên. Từ chân đồi qua 15m mới lên tới sân chùa. Ngôi chùa cao khoảng 42m.

Borobudur có hình dạng kim tự tháp dạng bậc như một gò núi (dạng xây dựng này còn được gọi là “chùa núi”, là sự kết hợp giữa bảo tháp, chùa và núi). Kiến trúc của chùa thể hiện sự giao hòa giữa kiến trúc Phật giáo và giáo phái bản địa thờ cúng tổ tiên tại Indonesia.

Chức năng của Borobudur là sự kết hợp giữa việc thờ cúng Đức Phật và là nơi cho Phật tử hành hương.

Chùa có hình tượng như một bông hoa sen, loài hoa thiêng liêng của Đức Phật. Hình dạng 3 tầng tháp thể hiện 3 cấp độ biểu tượng của vũ trụ học Phật giáo: Kamadhatu (thế giới dục vọng); Rupadhatu (thế giới của hình tướng) và Arupadhatu (thế giới của vô tướng). 10 bậc của 3 tầng tháp được cho là tương ứng với các giai đoạn mà các Bộ Tát phải đạt được trước khi thành Phật quả.

Khách hành hương bắt đầu đi từ nền sân chùa, theo các con đường bậc qua, mà lên tới đỉnh.

Tầng thứ nhất (tầng Kamadhatu) có mặt bằng tổng thể hình vuông theo đúng 4 hướng Đông, Tây, Nam Bắc với kích thước 123m x 123m, cao 4 m, chia thành 2 bậc. Các cạnh đế tháp không thẳng, mà dật 3 cấp, nhô ra ở giữa. Giữa các cạnh đế tháp là một lối lên rộng 7,38m, hai bên đặt 2 sư tử đá.

Tầng thứ hai (Rupadhatu) bao gồm 5 bậc, mỗi bậc đều có lan can. Cuối của các lan can là các tượng đầu voi, sư tử…

Tầng thứ ba (Arupadhatu) có mặt bằng hình tròn, gồm 3 bậc tròn với 72 tháp nhỏ bên trong đặt tượng Phật ngồi và một tháp giống hình quả chuông đặt ở chính giữa.

Tất cá các bậc thềm, đều được phủ kín tượng, phù điêu trang trí rất công phu miêu tả cuộc đời của Đức Phật, các vị Bồ tát…, những cảnh trên thiên đường hay dưới địa ngục. Ngoài ra, tại đây còn có các phù điêu miêu tả nhiều cảnh của cuộc sống hàng ngày trong Java cổ đại thế kỷ 8, từ cuộc sống của hoàng gia, tu sĩ ẩn dật trong rừng, những người dân thường trong làng đến đền thờ, chợ, thuyền, hệ thực vật và động vật khác nhau.

Borobudur được cho là một quần thể lớn nhất và đầy đủ nhất các phù điêu Phật giáo trên thế giới với khoảng 504 tượng Phật, 1460 phù điêu miêu tả con người, sự kiện và 1210 phù điêu trang trí.

Công trình được xây dựng bằng đá với khối lượng lên đến 55000m3. Các khối đá được cắt theo các kích cỡ, vận chuyển đến địa điểm xây dựng và xây dựng không cần vữa, chỉ liên kết với nhau bằng các mộng ngàm vào nhau.

Đơn vị đo cơ bản được sử dụng để xây dựng công trình là Tala: chiều dài của khuôn mặt con người, từ chân tóc tại trán đến cằm hoặc khoảng cách lớn nhất từ đầu ngón tay cái và đầu ngón tay giữa. Tại đây các tỷ lệ 4/6/9 thường xuyên được sử dụng. Tỷ lệ này cũng được tìm thấy trong cách thức xây dựng của hai ngôi chùa lớn gần đó và tương tự như đền thờ Angkor Wat tại Campuchia.

Chùa Borobudur là điểm thu hút khách du lịch được ghé thăm nhiều nhất ở Indonesia.

2. Chùa Mendut

Chùa Mendut (Mendut Temple) có từ thế kỷ thứ chín, nằm ở làng Mendut, tiểu khu Mungkid, thành phố Magelang Regency, tỉnh Central Java, Indonesia.

Di sản Chùa Mendut có diện tích 0,11ha, vùng đệm 1,67ha, nằm cách chùa Borobudur khoảng 3km về phía đông. Đây là ngôi chùa cổ nhất trong quần thể 3 chùa.

Năm 1836, chùa được phát hiện như một tàn tích được bao phủ bởi các bụi cây. Chùa được trùng tu vào năm năm 1897 và hoàn thành vào năm 1925.

Chùa có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh dài 13,7m, đặt trên một bệ nền cao 3,7m. Chùa cao 26,4m, quay về hướng Tây Bắc.
Thành của các bậc thang lên bệ nền được chạm khắc phù điêu thuật lại câu chuyện liên quan đến giáo lý Phật giáo.

Sân vuông xung quanh cơ thể của ngôi đền được dành người đi hành lễ (Pradakshina) theo chiều kim đồng hồ xung quanh chùa.

Các bức tường bên ngoài chùa được trang trí bằng các bức phù điêu của các Bồ tát.

Ban đầu ngôi đền có hai gian, một gian nhỏ ở phía trước, và một gian lớn ở chính giữa. Mái và một số phần của các bức tường gian phía trước bị mất. Phần mái được cho là có một tháp nhọn với kích thước và kiểu dáng có lẽ giống như chùa Sojiwan (Sojiwan Temple, thuộc thành phố Klaten Regency, tỉnh Central Java, Indonesia).

Bên trong tháp có ba bức tượng đá lớn được chạm khắc. Tượng Dhyani Buddha Vairocana cao 3 mét có ý nghĩa giải thoát người mộ đạo khỏi nghiệp thân, bên trái là tượng Bồ tát Quán Thế Âm để giải thoát nghiệp khẩu, bên phải là Bồ tát Tâm nguyện để giải thoát nghiệp tư tưởng.

Những người theo đạo Kejawen (Thần đạo của người Java) hoặc Phật giáo, cầu nguyện trong chùa Mendut để mong thực hiện những điều ước, ví như cầu để giải thoát thoát khỏi bệnh tật; trước bức phù điêu Hariti (biểu tượng của khả năng sinh sản, sự bảo trợ của tình mẫu tử và người bảo vệ con cái) cầu về đường con cái.

3. Chùa Pawon

Chùa Pawon (Pawon Temple) nằm tại thành phố Magelang Regency, tỉnh Central Java, Indonesia, giữa của hai ngôi chùa, Borobudur (cách 1,75 km về phía đông) và Mendut (1,15 km về phía tây), được xây dựng vào thế kỷ 8 – 9, dưới thời triều đại Sailendra (Shailendra Dynasty, tồn tại năm 650 – 1025).

Ngôi chùa quay về hướng Bắc và đặt trên một bệ nền hình vuông.

Mỗi bên của cầu thang và đỉnh của cổng ra vào được trang trí bằng chạm khắc Kala-Makara (sinh vật biển huyền thoại), thường thấy trong các ngôi đền cổ của người Java.

Bức tường bên ngoài của chùa Pawon được chạm khắc với các bức phù điêu của các vị Bồ Tát và nữ Bồ Tát (Tara). Ngoài ra còn có phù điêu Cây sự sống (Kalpataru) được canh giữ bởi các sinh vật thần thoại Kinnara và Kinnari (đứng) và Apsara và Devata (đang bay).

Bên trong tháp có 6 lỗ thủng, được cho để thoát khói trong quá trình đốt đồ tế lễ. Phần mái của chùa có 5 bảo tháp nhỏ. Chùa Pawon được đánh giá là “ Viên ngọc của kiến trúc chùa Java”.

Bản đồ Quần thể chùa Borobudur

Video về Quần thể đền Borobudur

 Những Di sản Văn hóa/Thiên nhiên Thế giới được UNESCO công nhận

Array

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *