Động Seokguram và chùa Bulguksa – Di sản văn hóa thế giới ở Hàn Quốc

Sau khi chiến thắng hai vương quốc Goguryeo ở phía Bắc và Baekje ở phía Tây Nam bán đảo Hàn Quốc, giành quyền thống trị vào năm 668, nhà nước Silla đã nỗ lực xây dựng một quốc gia Phật giáo, thể hiện khát vọng hòa bình.

Tên tiếng Anh: Seokguram Grotto and Bulguksa Temple
Địa điểm: Tỉnh Bắc Gyeongsang
Năm công nhận: 1995
Tiêu chí: (i)(iv)

Động Seokgul (Thạch Quật) miêu tả khoảnh khắc giác ngộ linh thiêng của đức Phật còn chùa Bulguk (Phật Quốc) mô tả thế giới Phật pháp qua con mắt trần thế. Cả hai công trình đều có giá trị lịch sử cao khi vẫn bảo tồn gần như toàn vẹn kiến trúc từ thế kỷ VIII của triều đại Silla thống nhất.

Xét theo quy hoạch xây dựng, nếu động Seokgul thể hiện một cách chính xác các thông số kiến trúc, số học, hình học, tôn giáo, nghệ thuật, thì chùa Bulguk là ví dụ điển hình của việc khắc họa giáo lý đạo Phật qua những hình khối kiến trúc độc đáo, được đánh giá là có một không hai tại châu Á, mảnh đất khai sinh và phát triển của Phật giáo.

1. Chùa Bulguk

Với sứ mệnh thể hiện giáo lý đạo Phật, kiến trúc chùa Bulguk chia thành nhiều không gian như điện Daeung (Đại Hùng) là nơi thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni biểu hiện cho thế giới hiện thực, điện Geuknak (Cực Lạc) thờ A Di Đà Phật là tượng trưng cho thế giới cực lạc, điện Biro (Bì Lô) thờ Bì Lô Già Na Phật là hình ảnh của chân lý tuyệt đối, điện Gwaneum (Quan Âm) thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát là tượng trưng cho từ bi, hỷ xả.

động seokguram và chùa bulguksa - di sản văn hóa thế giới ở hàn quốc

Không gian chùa Bulguk được ngăn đôi bởi những cây cầu. Thế giới nhân gian bên dưới được kết nối với thế giới của Đức Phật bằng những cây cầu Cheongun (Thanh Vân), Baekun (Bạch Vân), cầu Yeonhwa (Liên Hoa), và Chilbo (Thất Bảo) dẫn đến điện Geuknak (Cực Lạc). Hai cây cầu Cheongun và Baekun dẫn lối vào chùa có tổng cộng 33 bậc thang, tượng trưng cho 33 bước để đi đến giác ngộ, khích lệ những con người phàm tục nỗ lực để đặt chân đến đất Phật.

Chùa Bulguk (Phật Quốc) thờ riêng ba Đức Phật và Bồ Tát nhưng nếu nhìn tổng thể thì đây là một không gian thống nhất. Điều này thể hiện tư tưởng quan trọng của kinh Hoa Nghiêm, vừa công nhận sự khác biệt, vừa nhấn mạnh sự hòa hợp.

Hoa Nghiêm Phật Quốc là tên gọi đầu tiên của chùa Bulguk (Phật Quốc) từ những ngày đầu xây dựng, gửi gắm ước nguyện hàn gắn những vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất của người dân Silla.

Tháp Seokga khắc họa lại quá trình Đức Phật Thích Ca Như Lai truyền giảng kinh Pháp Hoa. Tháp Dabo thể hiện quá trình Đức Phật Đa Bảo Như Lai chứng minh kinh Pháp Hoa do Đức Phật Thích Ca Như Lai truyền giảng là thật.

Kiến trúc tháp Seokga đơn giản nhưng mang vẻ cân xứng hài hòa hoàn hảo. Trong khi đó, tháp Dabo được trang trí bằng “thất bảo” (bảy báu vật được nhắc đến trong kinh Phật gồm vàng, bạc, lưu ly, san hô, hổ phách, xà cừ, mã não).

Nếu tháp Dabo (Đa Bảo) là biểu tượng cho kỹ thuật điêu khắc đá tinh xảo của triều đại Silla thì quyển kinh Vô Cấu Tịnh Quang Đà La Ni được cất giữ trên tầng hai của tháp Seokga (Thích Ca) được công nhận là quyển kinh khắc gỗ lâu đời nhất trên thế giới.

2. Động Seokgul

Nhằm thể hiện khoảnh khắc giác ngộ của Đức Phật, hướng từ bóng tối ra ánh sáng, người Silla đã xây chùa trong hang động và gọi là chùa Seokbul (Thạch Phật) bên vách núi Toham cao 565m so với mực nước biển.

Khác với các động đá thông thường, chùa Seokbul, sau gọi là động Seokgul (Thạch Quật), được xây dựng bằng đá hoa cương dưới bàn tay đẽo gọt tài tình của các nghệ nhân. Đặc biệt, động có mái hình vòm xếp từ 360 tấm đá hoa cương, phía trên là phiến đá che nặng 20 tấn. Do đó, Seokgul còn được gọi là kỳ tích động đá hoa cương.

Động Seokgul có gian chính hình tròn thờ tượng Đức Thích Tôn cao 3,5m, và gian phụ cách đó một lối đi là nơi thực hiện nghi thức cầu nguyện. Kiến trúc này phản ánh rõ quan niệm “trời tròn, đất vuông” của người Silla xưa.

Xung quanh các bức tường tại đây còn khắc hình kim cương lực sĩ, tứ thiên vương đóng vai trò bảo hộ Phật pháp và 39 hình ảnh các vị Phật, Bồ Tát và đệ tử trong buổi truyền giảng kinh Phật.

Trải qua hơn 1.200 năm, động Seokgul vẫn giữ nguyên vẹn kiểu dáng nhờ kết cấu kiến trúc khoa học giúp điều chỉnh độ ẩm và lưu thông không khí trong động. Các nghệ nhân Silla đã thiết kế để nước suối lạnh chảy dưới gầm nền đá, khiến khí ẩm bên trong tòa nhà bị đẩy hết xuống nền, tạo tác dụng thông gió vô cùng hiệu quả. Đây là công trình thể hiện rõ trí tuệ ưu việt của người xưa.

Bản đồ Động Seokguram và chùa Bulguksa

Video về Động Seokguram và chùa Bulguksa

Những Di sản Văn hóa/Thiên nhiên Thế giới được UNESCO công nhận

Array

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *