Di chỉ người tiền sử Sangiran – Di sản văn hóa thế giới ở Indonesia

Di chỉ người tiền sử Sangiran nằm giữa Sragen và Surakarta (Solo), thuộc tỉnh Central Java, Indonesia, có diện tích 5.600 ha.

Tên tiếng Anh: Sangiran Early Man Site
Địa điểm: Tỉnh Central Java
Năm công nhận: 1996
Tiêu chí: (iii)(vi)
Diện tích: 5.600 ha

Năm 1883, các nhà nhân chủng học Hà Lan đã tiến hành nghiên cứu thực địa sơ bộ tại Sangiran.

Vào năm 1936-1941, các nhà nhân chủng học Hà Lan – Đức, Indonesia đã tiến hành khai quật tại đây và phát hiện ra hóa thạch người tiền sử, công cụ bằng đá, hóa thạch động vật lắng đọng trong các tầng địa chất tồn tại trong vòng 2,4 triệu năm qua.

50 mẫu hóa thạch mang tên Meganthropus Palaeo và Pithecanthropus Erectus / Homo Erectus (người đứng thẳng, cách đây khoảng 700 trăm năm – 1,8 triệu năm) tìm thấy tại Sangiran đã chiếm hơn một nửa của tất cả các hóa thạch người tiền sử được biết đến trên thế giới.

di chỉ người tiền sử sangiran - di sản văn hóa thế giới ở indonesia

Các mẫu hóa thạch tìm thấy tại đây cho thấy: Sangiran là nơi sinh sống của người tiền sử cách đây khoảng 1 triệu năm, là một trong những địa điểm chính cho sự hiểu biết về quá trình tiến hóa của loài người. Đây cũng là nơi hiển thị được nhiều khía cạnh của sự tiến hóa vật chất và văn hóa rất lâu dài của con người trong bối cảnh môi trường.

Khu vực khảo cổ Sangiran hiện được chia thành 4 cụm bảo tàng, trưng bày triển lãm trong và ngoài nhà: Krikilan Cluster, Ngebung Cluster, Bukuran Cluster và Dayu Cluster được kết nối với nhau bằng một tuyến du lịch đặc biệt:

1. Cụm Krikilan

Cụm Krikilan (Krikilan Cluster) bao gồm Khu vực tiếp đón du khách và Bảo tàng Khảo cổ Sangiran (Museum Manusia Purba Sangiran), được xây dựng đầu tiên vào năm 2011. Trung tâm đón tiếp du khách và Bảo tàng Khảo cổ Sangiran có diện tích xây dựng khoảng 16675m2 với 3 không gian chính:

– Phòng giới thiệu các thông tin chung, cung cấp cho du khách thông tin toàn diện về Sangiran với các màn hình hiển thị và phương tiện tương tác hỗ trợ thông tin…

– Phòng trưng bày các tài liệu, hiện vật của các hóa thạch tìm thấy tại đây với khoảng 13.809 hiện vật:
. Hóa thạch người tiền sử, được tìm thấy tại đây Homo Sapiens và bản sao của người tiền sử tìm thấy tại các nơi khác: Australopithecus Africanus, Pithecanthropus Mojokertensis, Homo Soloensis, Homo Neanderthal châu Âu, Homo Neanderthal châu Á (bản sao).
. Hóa thạch động vật trên đất liền, động vật biển và nước ngọt, động vật thân mềm…
. Đá tạo tác.

– Phòng trình bày các thông tin về sự hình thành hệ mặt trời trong hình thức phim ngắn, và sự phát triển của trái đất thông qua các giới thiệu hóa thạch, hiện vật, tác phẩm điêu khắc.

– Phòng hội thảo, họp, giới thiệu các thay đổi về môi trường và cuộc sống của các loại động vật, con người tại khu vực từ cách đây khoảng 1 triệu năm…

2. Cụm Ngebung

Cụm Ngembung (Ngebung Cluster) có giá trị lịch sử quan trọng, bởi vì đây là nơi khai quật phát hiện các hóa thạch đầu tiên. Trong Cụm có Bảo tàng Khảo cổ Ngebung (Museum Manusia Purba Klaster Ngebung), là nơi giới thiệu lịch sử tìm kiếm, phát hiện và khai quật tại Sangiran. Đây cũng là nơi giới thiệu các nhà cổ sinh vật học, địa chất học như khảo cổ học: Eugene Dubois, JC van Es, GHR von Konigswald…có công trong việc tìm kiếm, khám phá các giá trị lịch sử của Sangiran.

3. Cụm Bukuran Cluster

Cụm Bukuran (Bukuran Cluster) nằm trong làng Bukuran và là một trong những địa điểm phong phú hóa thạch về sự tiến hóa của con người. Hầu hết các phát hiện về hóa thạch của người tiền sử Homo Erectus tại Sangiran đều nằm tại đây, biến nơi đây thành trung tâm thông tin về sự tiến hóa của người tiền sử.

Bảo tàng khảo cổ Bukuran (Museum Manusia Purba Klaster Bukuran), được xây dựng vào năm 2013, là nơi lưu giữ và giới thiệu về sự tiến hóa của tự nhiên và các nhân tố ảnh hưởng, được trình bày qua các hình ảnh đồ họa và thiết bị tương tác.
Khu vực đầu tiên của bảo tàng trình bày một loạt các sự đa dạng của các loài tồn tại trên trái đất; sự thích ứng của các loài vật trong quá trình chọn lọc tự nhiên, thông qua các đoạn phim ngắn và trò chơi tương tác.

Khu vực tiếp theo mô tả các tài liệu về địa điểm, nơi phát hiện các hóa thạch sinh vật và người tiền sử. Đây cũng là nơi trình bày về các thuyết tiến hóa và giới thiệu các công nghệ di truyền học và sinh học trong việc tạo lâp ra các loài mới.

Vào năm 2014, tại đây xây dựng một bảo tàng bổ sung mới – Bảo tàng Manyarejo (Museum Manusia Purba Klaster Manyarejo). Đây là nơi giới thiệu các lý thuyết về sự tiến hóa về tự nhiên và con người. Tất cả các tài liệu được trình bày dưới dạng hình ảnh và đồ họa hấp dẫn, màu sắc bằng công nghệ tương tác (màn hình cảm ứng có thể truy cập bằng hai ngôn ngữ tiếng Anh và Indonesia) cung cấp các thông tin về hành tinh Trái đất từ khi hành thành cho đến khi xuất hiện nguồn gốc của con người.

4. Cụm Dayu

Cụm Dayu (Dayu Cluster) với Bảo tàng Khảo cổ Dayu (Museum Manusia Purba Klaster Dayu), như là một phần của Bảo tàng Người tiền sử Sangiran, nằm tại thôn Dayu xã Karanganyar, là một trong những địa điểm quan trọng trong Sangiran. Nhiều địa điểm nơi đây lưu giữ các hiện vật của cuộc sống hàng triệu năm trước, gồm cả hệ thực vật, động vật, con người và văn hóa, cũng như dấu ấn những thay đổi về môi trường đã xảy ra trong hàng triệu năm tại Sangiran.

Bảo tàng được xây dựng vào năm 2013, là trung tâm thông tin về địa chất cổ và văn hóa của nhân loại giai đoạn Homo Erectus. Trong bảo tàng, ngoài hiện vật, còn có hệ thống thông tin với các màn hình, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ cho nhu cầu giáo dục và là một nguồn tri thức về quá khứ…

Bản đồ Di chỉ người tiền sử Sangiran

Video về Di chỉ người tiền sử Sangiran

 Những Di sản Văn hóa/Thiên nhiên Thế giới được UNESCO công nhận

Array

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *