Đền thờ và chùa Nikko – Di sản văn hóa thế giới ở Nhật Bản

Quần thể đền thờ và chùa tại Nikko, cùng với môi trường tự nhiên xung quanh là một địa điểm linh thiêng được biết đến với những kiệt tác kiến ​​trúc và trang trí. Chúng gắn liền với với lịch sử của Tướng quân Tokugawa Ieyasu, là người sáng lập và cũng là vị võ tướng (Shōgun) đầu tiên của Mạc phủ Tokugawa, nắm quyền từ sau trận đánh lịch sử Sekigahara (diễn ra vào ngày 21/10/1600 thuộc tỉnh Gifu, vùng Chubu ngày nay), kết thúc một thời kỳ nội chiến khốc liệt, thiết lập nền hòa bình lâu dài trên toàn quần đảo Nhật Bản, cho đến khi Minh trị Thiên hoàng giành lại quyền lực tối cao vào năm 1868.

đền thờ và chùa nikko - di sản văn hóa thế giới ở nhật bản

Tên tiếng Anh: Shrines and Temples of Nikko
Địa điểm: Tỉnh Tochigi
Năm công nhận: 1999
Tiêu chí: (i)(iv)(vi)
Diện tích: 50,8 ha với vùng đệm 373,2 ha

Quần thể đền, chùa Nikko gắn liền với núi Futara (Futara-san) còn gọi là núi Nantai (Nantai-san, có nghĩa là ngọn núi “hình hài con người”), là một ngọn núi lửa tại Công viên Quốc gia Nikko (Nikkō National Park) ở trung tâm đảo lớn Honshū. Núi có cao độ 2486m so với mực nước biển. Đây là một địa danh nổi bật, một trong 100 ngọn núi nổi tiếng ở Nhật Bản. Núi có thể được nhìn thấy vào những ngày trời trong, từ tận bờ biển Thái Bình Dương, cách đó 100 km. Nước từ ngọn núi cung cấp cho người dân và cho ruộng lúa dưới chân núi.

Ngọn núi trở thành một linh vật thiêng liêng, một dạng “Thần thể sơn” trong Thần đạo Nhật Bản, nơi mà các vị thần linh có thể nhập vào để hưởng lễ vật được dâng lên trong các nghi lễ cúng tế. Từ xa xưa tại khu vực Nikko đã xuất hiện nhiều đền thờ Thần đạo (Shinto shrine) với Thần thể sơn là núi Nantai, núi Nyoho và núi Taro, trong đó núi Nantai là nổi bật nhất.

Quần thể đền, chùa tại Nikko bao gồm hai đền thờ Thần đạo (Tôshôgû và Futaraan) và một ngôi chùa Phật giáo (Rinnô-ji). Những tòa nhà đầu tiên được xây dựng vào thế kỷ thứ 8, trên sườn của dãy núi Nikko, bởi các tu sĩ Phật giáo. Phần lớn các công trình trong đó được xây dựng vào thế kỷ 17.

Ngày nay, các công trình này trở thành minh chứng cho một truyền thống bảo tồn và phục hồi hàng thế kỷ, cũng như lưu giữ được các thực hành tôn giáo, tạo thành một địa điểm linh thiêng.

Quần thể đền, chùa tại Nikko như là kết quả của sự kết hợp các giá trị lâu đời với 103 tòa nhà tôn giáo (9 trong số đó là Bảo vật quốc gia Nhật Bản), tập trung trong một khu vực có diện tích 50,8ha, cung cấp bằng chứng về truyền thống thờ cúng lâu đời, thành tựu nghệ thuật rất cao, sự hòa nhập giữa kiến ​​trúc và khung cảnh thiên nhiên xung quanh.

Các công trình trong quần thể đền, chùa tại Nikko dù trải qua các thảm họa thiên nhiên (hỏa hoạn, động đất) trong nhiều thế kỷ, song vẫn được khôi phục lại với mức độ xác thực cao về chức năng sử dụng, bố cục quy hoạch và hình thức kiến trúc; chất liệu và màu sắc vật liệu xây dựng; trang trí và kỹ thuật truyền thống.

1. Đền Futarasan

Quần thể Đền Thần đạo Futarasan (Futarasan jinja Shrine) nằm ở thành phố Nikkō, còn được gọi là Đền Nikkō Futaraan, để phân biệt với đền Futaraan ở thành phố tỉnh lỵ Utsunomiya gần đó.

Quần thể Đền Nikkō Futaraan là một trong 3 đền Futaraan tại Nikkō, có thể coi như đền Hạ, nằm trong khu vực Di sản. 2 đền còn lại là Đền Chugushi (Chugushi Shrine) hay đền Trung, nằm gần bờ hồ Nikko (hồ Chuzenji); và Đền Okumiya (Okumiya Shrine) hay đền Thượng nằm trên đỉnh núi Nantai.

Di sản Đền Thần đạo Nikkō Futaraan thờ 3 vị thần: Okuninushi (thần xây dựng, nông nghiệp, kinh doanh và y học); Tagorihime; Ajisukitakahikone (thần sấm sét).

Đền Nikkō Futaraan được thành lập vào năm 767 – 782 bởi Shōdō shōnin (17/5/735- 21/3/817, là một tu sĩ Phật giáo, tên thế tục là Wakata Fujiitomari). Ông cũng là người sáng lập Chùa Rinnô-ji gần đó.

Đền Nikkō Futaraan có mặt bằng theo kiểu Gongen-zukuri, hay hình chữ Công (工) hoặc chữ H, là cấu trúc xây dựng điển hình của các ngôi đền thờ Thần đạo Nhật Bản. Đền gồm 3 tòa nhà chính:

Tòa chính điện được gọi là Honden (Shinden/Main Hall) là tòa nhà thiêng liêng nhất của đền thờ Thần đạo; là nơi đặt bàn thờ kami (linh vật). Tòa Honden nằm phía sau của đền và người dân thường không được vào.

Tòa phía trước của đền được gọi là Haiden (Prayer Hall), là bái đường hay nơi cầu nguyện.

Tòa nhà kết nối giữa hai tòa trước và sau được gọi là Heiden (ishi-no-ma /Offerings Hall), là nơi đặt lễ vật và tu sĩ làm lễ. Trong trường hợp đền có quy mô lớn, phía trước đền còn có tòa nhà mang tên Haraiden, là nơi làm nghi lễ tẩy rửa. Phần trung tâm của mái hiên phía trước Hairaiden được cắt và nâng lên. Đó là một kỹ thuật kiến ​​trúc điển hình được sử dụng trong các ngôi đền, chùa Phật giáo vào cuối Thời kỳ Heian (thời kì phân chia cuối cùng trong lịch sử Nhật Bản cổ đại, từ năm 794 – 1185; thời kỳ ảnh hưởng của đạo Khổng và Trung Quốc tới đỉnh cao; thời kỳ phát triển của nghệ thuật, thơ ca và văn học).

Nhiều công trình trong Quần thể Đền Thần đạo Futaraan được được xây dựng vào giai đoạn đầu Thời kỳ Edo (còn gọi là thời Mạc phủ Tokugawa, kéo dài từ năm 1603- 1868; người đứng đầu chính phủ là võ tướng (Shōgun) và từng là thành viên dòng tộc Tokugawa. Mạc phủ Tokugawa cai trị từ lâu đài Edo, Tokyo. Vì vậy, giai đoạn Mạc phủ Tokugawa cũng được gọi là Edo Mạc phủ hay thời kỳ Edo. Đây cũng được coi là mở đầu cho thời kỳ cận đại ở Nhật Bản).

Honden

Quần thể Đền Futaraan bao gồm các hạng mục công trình chính sau:
– Cầu thiêng Shinkyō
– Cổng Torii
– Tòa Haiden và Honden

2. Đền Toshogu

Quần thể Đền Thần đạo Toshogu (Toshogu Shrine) thờ Tokugawa Ieyasu, là người sáng lập Mạc phủ Tokugawa. Sau này được thần thánh hóa thành một vị thần của Thần đạo (Shinto). Trong hệ thống đền Toshogu, thì Toshogu ở Nikko là đền chính và để phân biệt với các Toshogu khác, Đền được gọi là Nikko Toshogu.

Đền được Tokugawa Hidetaka (2/5/1579- 14/3/1632), con trai của Tokugawa Ieyasu xây vào năm 1617. Sau đó, Tokugawa Iemitsu (con trai của Tokugawa Hidetaka, 12/8/1604- 8/6/1651) mở rộng thêm. Trong đền có lăng mộ của Tokugawa Ieyasu.

Đền do lãnh chúa Tōdō Takatora (16/2/1556 – 9/11/1630) võ sĩ dưới quyền Tokugawa Ieyasu) xây dựng. Ông được cho là một vị kiến trúc sư xuất sắc trong thiết kế lâu đài tại Nhật Bản, đã tham gia xây dựng tới 20 lâu đài, trong đó có Lâu đài (Castle) Edo, Lâu đài Wakayama, Lâu đài Uwajima, Lâu đài Imabari, Lâu đài Iga Ueno và Lâu đài Sasayama…

Hiện tại, quần thể gồm 42 tòa nhà, chứa đến 500 kg vàng và 370 kg bạc. Quần thể đền bố cục theo hướng Bắc Nam, quay mặt về hướng Nam.

Quần thể Đền Toshogu bao gồm các hạng mục công trình chính sau:
– Bậc lên và Cổng Torii
– Tháp 5 tầng mái
– Cổng Niomon
– Cụm 3 công trình kho lễ phục
– Tháp chuông và Tháp trống
– Cổng Yomen và Cổng Nemurineko
– Tòa Mikoshigura và Kaguraden
– Cổng Karamon
– Tòa Haiden và Honden của Đền thờ Toshogu
– Lăng mộ Ieyasu

3. Chùa Rinnô

Rinno-ji là một ngôi chùa Phật giáo Đại Thừa (Tendai), bắt nguồn từ Phật giáo Thiên thai tông Trung Quốc.
Phật giáo Đại Thừa được hình thành tại Nhật Bản vào năm 806 bởi nhà sư Saicho, còn được gọi là Dengyō Daishi (15/9/767- 26/6/822). Do nằm sâu trong vùng núi Nantai, Chùa trở thành nơi đào tạo các nhà sư khổ hạnh Đại Thừa.

Chùa được xây dựng vào năm 766, sau này được các vị võ tướng (Shogun) Mạc phủ Tokugawa mở rộng, tạo thành quần thể đền, chùa tại Niko.

Trước thời kỳ Minh Trị, Phật giáo và Thần đạo (Shinto) ở Nhật Bản không tách rời nhau hoàn toàn. Vùng núi Nantai tại Nikko chính là nơi mà Thần đạo, Phật giáo và núi rừng tự nhiên hòa làm một.

Sang thời Minh Trị, Thần đạo được tôn làm quốc đạo; Phật giáo và Thần đạo bắt đầu được phân tách. Lúc này, một số kiến trúc trên núi Nantai được chính quyền xếp vào phạm vi của Chùa Rinno, đồng thời cho xây Tam Phật đường (Three Buddha Hall) làm chính điện của chùa vào năm 1811.

Quần thể chùa gồm 15 tòa nhà chính nằm trên một sườn đồi, cụm công trình chính bố cục theo phong cách Gongen-zukuri (mặt bằng hình chữ Công – 工), như một đền thờ Thần đạo. Chùa được coi là một kiệt tác về kiến trúc và trang trí.

Tam Phật Đường – chùa Rinno

Chùa Rinno gồm các hạng mục công trình chính sau:
– Tam Phật đường
– Tòa nhà Homotsuden
– Vườn Shōyōen
– Đền Taiyuin

Bản đồ Đền thờ và chùa ở Nikko

Đền Toshogu

Đền Futarasan

Chùa Rinno

 Video về Quần thể đền chùa ở Nikko

 Những Di sản Văn hóa/Thiên nhiên Thế giới được UNESCO công nhận

Array

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *