Trong thế giới của loài rùa, có loài chỉ nặng vài kg, nhưng cũng có những loài đạt trọng lượng hàng trăm kg. Dưới đây là thông tin của “gã khổng lồ” loài bò sát này – Rùa to nhất thế giới.
Rùa da hay rùa luýt (Dermochelys coriacea) là loài rùa biển lớn nhất và là loài bò sát lớn thứ tư sau 3 loài cá sấu – có thể phát triển đến chiều dài 3 mét và nặng gần một tấn. Đây là loài duy nhất còn sống trong chi Dermochelys. Chúng rất dễ phân biệt với các loài rùa biển khác ngày nay vì chúng không có mai. Thay vào đó lưng của chúng được bao phủ bởi lớp da và thịt trơn. Dermochelys coriacea là loài duy nhất tồn tại trong họ Dermochelyidae. Rùa da không có răng mà chỉ có các điểm trên rìa cắt sắc nhọn thuộc môi trên với các gai mọc ngược trong họng giúp nó nuốt thức ăn. Nó có thể lặn sâu đến 1.200 mét. Chúng còn là loài bò sát di chuyển nhanh nhất thế giới và được ghi nhận năm 1992 bởi sách kỷ lục Guinness với tốc độ 35,28 kilômét trên giờ (21,92 mph)(9,8 m/s) trong nước.
Rùa da sống khắp nơi trên thế giới. Trong số các loài rùa biển còn sinh tồn thì D. coriacea có khu vực phân bố rộng nhất, từ Alaska đến Na Uy từ Mũi Hảo Vọng ở châu Phi đến điểm cực nam New Zealand. Chúng sống trong tất cả các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, và còn được tìm thấy ở vòng Bắc cực. Trên thế giới có 3 quần thể chính, cách ly sinh sản với nhau. Quần thể Đại Tây Dương khác biệt với 2 quần thể kia ở đông và tây Thái Bình Dương, và bản thân 2 quần thể Thái Bình Dương cũng khác biệt với nhau.
Nghiên cứu gần đây cho thấy có khoảng 26.000 đến 43.000 rùa cái làm tổ mỗi năm, ít hơn rất nhiều so với 115.000 cá thể theo nghiên cứu năm 1980. Những con số đang suy giảm này có ý nghĩa mạnh mẽ trong việc khuyến cáo cần thiết phải có các giải pháp có hiệu quả trong việc ổn định số lượng rùa da và dần đưa chúng thoát khỏi tình trạng cực kỳ nguy cấp.