Đập Tam Hiệp là một đập thủy điện nằm ở sông Trường Giang tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đập được xây dựng từ năm 1994. Sau khi hoàn thành nó đã trở thành đập thủy điện lớn nhất thế giới.
Dự án này cũng gây nên nhiều ý kiến trái chiều ở trong và ngoài Trung Quốc. Những ý kiến ủng hộ nêu lên lợi ích về kinh tế, kiểm soát ngập lụt, và cung cấp năng lượng. Còn những ý kiến phản đối nêu vấn đề về tương lai của 1,9 triệu người sẽ phải di dời do mực nước tăng lên, sự mất đi của nhiều nơi có giá trị lịch sử văn hóa, cũng như tác động đến môi trường.
Chi tiết về Đập Tam Hiệp
Hồ chứa nước của nó bắt đầu có nước vào ngày 1/6/2003. Dự án đập đã hoàn thành và vận hành đầy đủ các chức năng vào ngày 4/7/2012, khi các tua-bin chính cuối cùng bắt đầu cho điện. Mỗi tua-bin cho công suất 700MW. Thân đập được hoàn thành năm 2006. Ngoài 32 tua-bin chính còn có 2 máy phát nhỏ hơn để phục vụ cho nhà máy. Tổng công suất phát điện của đập là 22.500 MW.
Đập có chiều dài 2.355m và đỉnh đập cao 185m so với mực nước biển. Công trình đã sử dụng 27,2 triệu mét khối bê tông, 463 nghìn tấn thép (đủ để xây 63 tháp Eiffel), đào 102,6 triệu mét khối đất. Thành đập cao 181m so với nền đá.
Mực nước đập cao tối đa 175m so với mực nước biển, vùng hồ có chiều dài trung bình khoảng 660km và rộng 1,12km. Vùng hồ chứa có thể tích 39,3 km3. Khi hoàn thành, tổng diện tích đất ngập nước của hồ là 632 km vuông. Vốn đầu tư dự tính 24,65 tỷ đô la Mỹ, có thể lên đến 75 tỷ đô.
Thời gian xây dựng Đập Tam Hiệp
1993-1997: sau 4 năm từ lúc khởi công, sông Dương Tử bị chặn lại vào tháng 11 năm 1997.
1998-2003: các tổ máy đầu tiên bắt đầu phát điện vào năm 2003, và cửa cống vĩnh cửu được mở cho giao thông đường thủy trong năm đó.
2004-2009: phần cuối cùng của đập được xây xong vào 20/5/2006. Toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào năm 2009, khi tất cả 26 tổ máy phát (tổng công suất 18,2 GW) được lắp xong, có thể phát ra 84,7 TWh điện mỗi năm. Nó đáp ứng được khoảng 1/30 nhu cầu điện của cả nước. Điều này cũng giúp đập Tam Hiệp là nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất thế giới.
Những ý kiến về đập Tam Hiệp
Chi phí
Nhiều người cho rằng chi phí bỏ ra sẽ nhiều hơn tất cả các dự án xây dựng khác trong lịch sử, với ước tính không chính thức là 75 tỷ USD hoặc cao hơn.
Tăng chênh lệch giàu nghèo
Nhiều ý kiến cho rằng con đập được xây dựng chủ yếu để phục vụ cho các nhà công nghiệp phần bờ biển phía đông do nơi đây có nhu cầu cao về điện năng. Nhưng hàng triệu người đã bị di dân khỏi các vùng đất trồng trọt chủ yếu. Hơn nữa là các khoản đền bù tái định cư không hợp lý làm tình hình trở nên xấu hơn.
Môi trường
Có nhiều chứng cứ cho rằng các đập nước có thể sinh ra một lượng cacbon dioxit và khí metan lớn do hoạt động của vi sinh vật trong hồ chứ nước. Đập nước làm biến đổi hệ sinh thái khi làm thay đổi môi trường sống của nhiều loài vật. Cá heo sông Dương Tử đang trên đà tuyệt chủng vì bị mất môi trường sống do công trình này.
Văn hóa lịch sử
Hồ chứa khổng lồ của đập Tam Hiệp sẽ làm ngập khoảng 1.300 địa chỉ khảo cổ. Sự ngập lụt này cũng sẽ bao phủ nhiều di tích tiềm ẩn chưa được phát hiện khác.
Các nguy cơ tiềm ẩn khác
Nhiều báo cáo nêu lên chất lượng kém của đập. Các vết nứt lớn đã xuất hiện trên thân đập vào năm 2000. Đập cũng nằm trên đứt gãy địa chấn. Trọng lượng của đập và hồ chứa nước theo lý thuyết có thể sinh ra địa chấn cảm ứng, như đã từng xảy ra với đập Katse ở Lesotho.