Bagan là một thành phố cổ thuộc vùng Mandalay, nằm trên một khúc quanh của sông Irrawaddy (Ayeyarwady) tại đồng bằng trung tâm Myanmar. Irrawaddy là con sông lớn nhất và đường thủy thương mại quan trọng nhất Myanmar. Thành phố nằm hoàn toàn bên bờ phải của sông.
Năm công nhận: 2019
Tiêu chí: (iii)(iv)(vi)
Diện tích: 5,005.49 ha với vùng đệm 18,146.83 ha, gồm 7 khu vực
Theo truyền thuyết, Bagan được thành lập vào thế kỷ 2 sau Công nguyên và được định hình vào thế kỷ thứ 9. Nhiều tài liệu khác lại cho rằng Bagan được thành lập vào thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên, là một trong Thị quốc Pyu. Vua Anawratha (1044-1077) là người cai trị đầu tiên của vương quốc. Ông thành lập một trung tâm duy nhất để cai trị vương quốc, chinh phục toàn bộ vùng khô hạn ở giữa đất nước bằng cách phát triển các hệ thống tưới tiêu để trồng lúa. Tại đây gạo không chỉ là lương thực chính mà còn là tiền tệ của vương quốc.
Bagan thời bấy giờ là một thành phố thịnh vượng, không chỉ lớn về quy mô diện tích, mà còn là một trung tâm quốc tế về nghiên cứu tôn giáo và thế tục, ví như ngữ pháp tiếng Pali, triết học tâm lý, chiêm tinh học, giả kim thuật, y học và pháp lý. Thành phố thu hút được các nhà sư, sinh viên từ tận Ấn Độ, Sri Lanka và Đế quốc Khmer (Khmer Empire) đến học tập, nghiên cứu.
Văn hóa của Bagan thời bấy giờ bị chi phối bởi tôn giáo, là sự tiếp nối của các xu hướng tôn giáo trong thời kỳ Thị quốc Pyu, nơi Phật giáo Nguyên thủy (Theravada Buddhism, Phật giáo Nam tông) cùng tồn tại với Phật giáo Đại thừa (Mahayana Buddhism), Phật giáo Mật tông (Tantric Buddhism), các trường phái Hindu (Saivite và Vaishana) cũng như truyền thống tôn giáo bản địa.
Trong suốt 250 năm, những người cai trị Bagan và những người giàu có đã xây dựng hơn 10.000 di tích tôn giáo (khoảng 1000 bảo tháp, 10.000 ngôi chùa và 3000 tu viện) trong một khu vực rộng 104 km2 ở vùng đồng bằng Bagan. Vào giai đoạn đỉnh cao của triều đại, giữa thế kỷ 11 và 13, có tới 4446 chùa, tu viện Phật giáo được xây dựng tại đồng bằng Bagan. Trong số đó, 2217 chùa, tu viện vẫn còn tồn tại đến ngày nay, thể hiện thành tựu vượt trội của thợ thủ công Myanmar.
Về quy hoạch, đô thị cổ Bagan không giống như các thị quốc Pyu với hệ thống tường thành bao ngoài vương quốc, mà chỉ có tường thành bao quanh cung điện hoàng gia với khoảng 2000 tòa nhà và một vài công trình tôn giáo. Theo thời gian, đoạn tường phía Tây của cố đô đã bị dòng sông cuốn trôi.
Về kiến trúc, các di tích còn tồn tại bao gồm chùa, thiền viện, hội trường và thư viện.
Chùa Bagan có hai dạng chính: Chùa có cấu trúc đặc, kín và chùa có cấu trúc rỗng, mở.
Chùa có cấu trúc đặc nổi bật là bảo tháp (stupa) có cấu trúc đặc, kín và là một cấu trúc đồ sộ, điển hình có một phòng (chaitya) chôn xá lợi (hạt nhỏ có dạng viên tròn hình thành sau khi thi thể được hỏa táng hoặc thân cốt sau khi chết của các vị cao tăng Phật giáo) bên trong. Các chùa tháp hay bảo tháp Bagan được phát triển từ các chùa tại Thị quốc Pyu trước đó và bắt nguồn từ kiến trúc miền Đông Nam Ấn Độ, ban đầu có mái hình bán cầu, sau dần trở thành hình chuông hay hình lọng. Các bảo tháp Bagan trở thành nguyên mẫu cho thiết kế đền, chùa Myanmar sau này về cả biểu tượng, hình thức thiết kế, kỹ thuật xây dựng và thậm chí cả vật liệu.
Chùa có cấu trúc rỗng (gu-style hollow temple) hay nội thất mở, được sử dụng để thiền định, thờ cúng và các nghi lễ Phật giáo khác.
Các ngôi chùa thường có hai kiểu: i) Một mặt trước với một lối vào chính, thường vào từ hướng Đông với một tiền sảnh nhỏ. Kết nối các không gian thông qua hệ thống hành lang. Chính điện hay điện thờ là nơi đặt linh vật tựa vào bức tường phía Tây. Nội thất được chiếu sáng bởi cửa sổ tại bức tường phía Bắc và Nam; ii) Bốn mặt với bốn lối vào. Chùa có điện thờ là một khối trung tâm hình vuông với 4 mặt đặt 4 linh vật, thể hiện 4 sự kiện vĩ đại trong cuộc đời Đức Phật (Sinh, Giác ngộ, Bài giảng đầu tiên, Cái chết). Với 4 khối tiền sảnh nhô ra, tạo cho mặt bằng của các ngôi chùa này có hình chữ thập. Một số chùa có khối điện thờ trung tâm hình ngũ giác, bổ sung vị Phật thứ 5 – Phật Tương lai. Chùa này có 5 tiền sảnh. Phong cách này được cho là một sáng tạo kiến trúc độc đáo của Bagan.
Sự phân biệt chùa tháp và chùa không phải lúc nào cũng rõ ràng. Có công trình là sự kết hợp cả sự đặc, kín của bảo tháp và rỗng, mở của điện thờ. Ví dụ như, chùa có điện thờ tại tầng dưới, bảo tháp tại tầng trên.
Thiền viện (Vihara) là nơi chuyên tu tập của tăng, ni, có thể là một phòng, một tòa nhà trong những ngôi chùa lớn hay cả một quần thể rộng lớn. Nhà truyền giáo, thư viện là các công trình cũng được tìm thấy trong số các di tích tại Bagan.
Công trình kiến trúc tại Pagan rất khác nhau về quy mô, từ ngôi chùa nhỏ đến các ngôi chùa khổng lồ. Để tạo quy mô cho công trình, nhiều tòa nhà được xây dựng trên bệ dật cấp tạo thành các bậc thềm. Các bậc thềm đặt trên mặt đất và đặt cả trên mái nhà, là bệ đỡ cho tầng hai hoặc bảo tháp. Xung quanh công trình chính được hỗ trợ bởi các cấu trúc nhỏ hơn đặt xung quanh. Hầu hết các ngôi chùa lớn cao 2 tầng. Chỉ có một vài ngôi chùa được xây dựng với chiều cao 3 hoặc 4 tầng.
Về vật liệu và kỹ thuật xây dựng, các cấu trúc tại Bagan đều được xây dựng bằng gạch trát vữa, chỉ có số ít tòa nhà được xây dựng bằng đá hoặc ốp đá. Đặc biệt, có một số ngôi chùa được phủ vàng bên ngoài. Các viên gạch xây chùa có kích thước trung bình 36 x 18 x 6 cm. Gạch được sản xuất tại khu vực xung quanh và đưa đến đây bằng thuyền. Vữa xây dựng được làm từ đất sét. Người ta còn cho rằng vữa có thể làm bằng chất kết dính hữu cơ. Thời kỳ này đã sử dụng các kỹ thuật xây dựng hầm và vòm với các viên đá hình nêm (voussoirs).
Về bản thảo và sách, tại đây còn lưu giữ trong các thiền viện bản thảo, sách về tôn giáo được viết bằng tiếng Pali hoặc tiếng Phạn (ngôn ngữ của Phật giáo, Hindu giáo, Jaina giáo), trên lá cây, vải, giấy, sơn mài và vàng lá.
Về điêu khắc, tại đây lưu giữ nhiều bức tượng bằng gỗ, đá và kim loại mô tả Đức Phật với nhiều tư thế như đứng, đi, nằm gắn liền với các sự kiện chính trong cuộc đời Đức Phật. Hình ảnh Đức Phật chủ yếu được miêu tả mang tính biểu tượng, không thể hiện chi tiết chính xác. Ngoài ra, tại đây cũng xuất hiện các điêu khắc hình tượng hoa sen.
Về phù điêu, tại đây lưu giữ rất nhiều các bức phù điêu bằng gốm, gạch tráng men. Trong đó điển hình là các bức phù điêu có in hình ảnh về sự tích Đức Phật (Jataka). Các tấm phù điêu này được tạo ra bằng các khuôn đúc bằng đồng hoặc đất sét.
Về tranh vẽ, nội thất các ngôi chùa tại Bagan có rất nhiều tranh vẽ trên tường, trần nhà. Các tranh được thực hiện bằng cách: Đầu tiên phủ lên bề mặt một lớp vữa bùn mịn, làm khô. Sau đó sử dụng màu bằng các chất màu tự nhiên vẽ lên trên. Các họa tiết lặp lại được vẽ theo khuôn giấy nến. Nội dung của các bức tranh phần lớn miêu tả sự tích của Đức Phật với hình tượng như cây bồ đề, Đức Phật với các kiếp tu hành, biểu tượng Phật giáo. Bên dưới các ô tranh là chữ tóm tắt nội dung các cảnh. Ngoài các tranh vẽ trên tường, tại đây còn lưu giữ được các bức tranh vẽ trên vải với phong cách hội họa như các bức tranh vẽ trên tường.
Các di tích tôn giáo tại đây là minh chứng cho đỉnh cao của nền văn minh Bagan (thế kỷ 11- 13), khi Bagan là kinh đô của vương quốc Pagan (Pagan Kingdom). Các quần thể kiến trúc tôn giáo hoành tráng tại Bagan phản ánh sức mạnh tôn giáo của một đế chế Phật giáo Nguyên thủy. Trong thời kỳ này, Phật giáo trở thành một thế lực kiểm soát chính trị với nhà vua là người đại diện. Nền văn minh Bagan đã giành quyền kiểm soát giao thông đường sông, mở rộng ảnh hưởng trên một khu vực rộng lớn. Các truyền thống làm công đức trong xã hội đã dẫn đến gia tăng việc xây dựng chùa, đền thờ, đặc biệt vào đầu thế kỷ 13.
Đế chế Pagan sụp đổ năm 1287 do các cuộc xâm lược của người Mông Cổ. Bagan không còn là thủ đô vào năm 1297 khi vương quốc Myinsaing (Myinsaing Kingdom) trở thành cường quốc mới ở Thượng Myanmar (Upper Burma). Bagan dần thu hẹp lại thành một đô thị nhỏ. Mặc dù vậy, Bagan tiếp tục vai trò là một trung tâm tôn giáo quan trọng của quốc gia Myanmar.
Nhiều di tích tại Bagan bị hư hại trong trận động đất năm 1975 và sau đó được sửa chữa lại.
Bagan ở đâu?
Video về Bagan
Những Di sản Văn hóa/Thiên nhiên Thế giới được UNESCO công nhận