Angkor – Di sản văn hóa thế giới ở Campuchia

Angkor là tên thường gọi của một khu vực tại Campuchia, đã từng là kinh đô của Đế quốc Khmer và đã phát triển rực rỡ vào khoảng thế kỷ 9 đến thế kỷ 15. Từ “Angkor” xuất phát từ tiếng Phạn nghĩa là “thành phố”. Thời kỳ Angkor có thể được định nghĩa là thời kỳ từ năm 802, khi vị vua Hindu Jayavarman II của người Khmer tự xưng “vua thiên hạ” và “thiên tử” của Campuchia, cho đến năm 1431, khi người Thái chiếm được kinh đô của Khmer khiến cho dân cư ở đây di cư về phía nam đến khu vực Phnom Penh.

Phế tích của Angkor (bao gồm cả Angkor Wat, Angkor Thom và các di tích khác) nằm giữa rừng và vùng đất canh tác nông nghiệp về phía bắc của Biển Hồ (Tonle Sap) và phía nam của đồi Kulen, gần thành phố Xiêm Riệp ngày nay, và là một di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Các ngôi đền của Angkor có số lượng trên 1000 với kích cỡ và hình dáng khác nhau mang đậm phong cách kiến trúc Khmer.

Năm 2007, các nhà nghiên cứu đã sử dụng ảnh vệ tinh và các kỹ thuật hiện đại khác để kết luận Angkor là thành phố thuộc thời kỳ tiền công nghiệp lớn nhất thế giới.

Khu vực: Tỉnh Siem Reap (Xiêm Riệp)
Năm được công nhận: 1992
Tiêu chí công nhận: (i)(ii)(iii)(iv)
Diện tích: 40.100 ha
Gồm 3 khu vực quần thể chính: Angkor, Roluos, Banteay Srei.

angkor - di sản văn hóa thế giới ở campuchia

Quần thể Angkor từng đứng đầu danh sách 500 điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh do tạp chí du lịch Lonely Planet bình chọn.

Phần lớn mọi người chỉ nghe tới cái tên Angkor Wat nhưng thực ra, đó chỉ là một trong hơn 1.000 ngôi đền trong quần thể này. Quần thể Angkor là một thành phố cổ 700 năm tuổi, có kênh đào, đền đài, lăng mộ trải dài trên diện tích gần 400km2, nằm trong rừng ở tỉnh Siem Reap, miền bắc Campuchia.

Angkor Wat có nghĩa là thành phố đền đài, được xây dựng đầu thế kỷ 12. Thời gian xóa bỏ gần như mọi thứ, nhưng khu quần thể Angkor vẫn tồn tại vượt thời gian, hầu như không bị hư hỏng nhiều. Quá khứ huy hoàng của Angkor có thể được nhìn thấy qua quy mô rộng lớn và các cấu trúc chạm khắc tinh vi. Sau nhiều năm, vẻ đẹp cổ xưa huyền bí vẫn còn nguyên vẹn.

Angkor Wat có vẻ đẹp ngoạn mục vì nó là biểu tượng hoàn hảo của Hindu giáo. Ban đầu, đền này được xây để thờ thần bảo tồn Vishnu của Hindu giáo. Angkor Wat được coi là thế giới thu nhỏ của vũ trụ Hindu giáo.

Ngôi đền có 5 ngọn tháp đứng giữa quần thể, đại diện cho Núi Meru, trung tâm vũ trụ. Hình ảnh của Angkor Wat còn xuất hiện trên cờ Campuchia và là niềm tự hào của người dân nước này.

Là một trong những ngôi đền vĩ đại nhất, Angkor Wat là ví dụ điển hình về kiến trúc Khmer xa xưa. Vì được xây để thờ các vị thần bất tử nên ngôi đền được làm từ những vật liệu rất bền. Nhờ đó, phần lớn còn tồn tại cho tới ngày nay.

Những ngôi đền được xây đầu tiên đều sử dụng gạch. Tới thế kỷ 12, các kiến trúc sư Khmer đã thành thạo trong dùng sa thạch, loại vật liệu đắt nhất và chỉ dùng nó cho các ngôi đền quan trọng nhất. Phần lớn khu vực Angkor Wat đều được làm từ các khối sa thạch lấy từ núi Kulen.

Angkor Wat có hơn 3.000 bức chạm khắc apsara (tiên nữ trong Hindu giáo). Hình ảnh chạm khắc các aspara trên tường có tới 37 kiểu tóc khác nhau với các tư thế, dáng điệu mê hoặc. Các apsara đeo trang sức và mũ đội đầu tinh tế, để ngực trần, chỉ quấn vải quanh eo trở xuống.

Một đền nổi tiếng khác trong quần thể Angkor là đền Angkor Thom. So với Angkor Wat, Angkor Thom bị đổ nát khá nhiều mặc dù đây là kinh đô cuối cùng của đế chế Khmer. Được xây dựng vào cuối thế kỷ 12 và là thành phố lớn nhất thế giới thời kỳ này, nơi đây còn sót lại những ngôi đền có kiến trúc cực kỳ độc đáo mà tiêu biểu là đền Bayon.

Đền Bayon có các bức phù điêu khắc họa hình ảnh cuộc sống đời thường, ví dụ như ảnh gia đình chuẩn bị bữa tối, đàn ông uống rượu, phụ nữ lâm bồn… Đền Bayon có 37 ngọn tháp và được trang trí 216 khuôn mặt khổng lồ của thần Lokesvara.

Đền Bayon được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phật giáo, mỗi tháp bao gồm 4 khuôn mặt thần bằng đá khổng lồ với nụ cười bí hiểm được chạm khắc tinh xảo. Mỗi tháp đều khắc 4 gương mặt vị thần quay về bốn hướng khác nhau.

Cho đến ngày nay, chưa ai lý giải được những biểu cảm như cười, ánh mắt buồn đau, khuôn mặt suy tư… thể hiện trên gương mặt của các bức tượng khắc trên những đền tháp này. Kể cả các nhà khoa học hay những người dân bản xứ cũng không giải đáp được.

Trong khi đó, đền Ta Prohm là một trong những đền được chụp ảnh nhiều nhất và nổi tiếng nhất nhờ xuất hiện trong phim Lara Croft: Tomb Raider của Angelina Jolie. Người Campuchia cố tình không phục chế đền này để giữ nguyên vẻ hoang sơ, đổ nát. Ngôi đền trông như bị rừng rậm nuốt chửng khi rễ cây ngoằn ngoèo bò khắp nơi.

Đền Banteay Srei không to như các đền trên nhưng lại là một trong những đền được trang trí nhiều nhất Angkor. Đền được xây để thờ thần Shiva của Hindu giáo. Vật liệu xây đền là đá vôi và gần như mọi mặt trong đền đều có các thiết kế tinh vi

Mặc dù đã hàng trăm năm tuổi nhưng các ngôi đền trong Angkor đều có hệ thống thủy học tinh vi và hệ thống kênh mương, hồ chứa khổng lồ vẫn còn tới ngày nay.

Tới nay, không ai thực sự hiểu tại sao Angkor lại bị bỏ hoang. Một số người cho rằng xảy ra chiến trận đẫm máu khiến người dân ở đây phải sơ tán. Số khác cho rằng người dân bỏ đi vì thay đổi tôn giáo từ Hindu giáo của người Khmer sang Phật giáo vào thế kỷ 13 và 14. Cũng có ý kiến cho rằng do hệ thống nước trong thành phố không dùng được nên người dân đã chuyển đi nơi khác để tìm nước.

Mặc dù Angkor bị bỏ hoang và ngày càng bị rừng rậm xâm chiếm nhưng người dân địa phương đều biết tới quần thể này. Người Campuchia đã đưa người phương Tây tới đây vào năm 1586 và các thế kỷ sau đấy. Tuy nhiên, mãi tới cuối thế kỷ 19, các nhà khảo cổ châu Âu mới quan tâm tới khu vực Angkor nhờ Louis Delaporte và Adolf Bastian – hai người quảng bá mạnh mẽ cho khu vực này. Từ năm 1907 tới 1970, khu vực này được Viện Viễn Đông Bác cổ khôi phục.

Do chiến tranh mà mãi tới năm 1993, Angkor mới được tiếp tục khôi phục trong chiến dịch lớn của UNESCO – cơ quan đã công nhận Angkor là di sản thế giới năm 1992.

Bản đồ Angkor Wat

Video về Quần thể Angkor

Những Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận

Array

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *