Việt Nam có diện tích rừng ngập mặn đứng vị trí thứ mấy trên thế giới?

Tuần qua diễn ra hai sự kiện liên quan đến hoạt động bảo vệ rừng ngập mặn, đó là Hội thảo “Quản lý rừng ngập mặn hiệu quả dựa vào cộng đồng do tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) và Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (DMHCC) tổ chức tại Hà Nội hôm 12.9 và Cuộc họp Ban chỉ đạo Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến Rừng ngập mặn cho Tương lai (MFF) tại Hội An từ 11 – 14.9 với sự tham dự của 9 nước thành viên gồm: Băng – la – đet, Ấn Độ, Indonesia, Maldives, Pakistan, Seychelles, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn đối với Việt Nam và thế giới nói chung trong bối cảnh Biến đối khí hậu (BĐKH) đang là thách thức chung của loài người.

Theo GS. TS Phan Nguyên Hồng và TS Lê Xuân Tuấn (Trường Đại học Thủy lợi), rừng ngập mặn (RNM) có 5 tác dụng lớn đối với môi trường, đó là: Làm chậm dòng chảy và phát tán rộng nước triều, làm giảm mạnh độ cao của sóng khi triều cường, bảo vệ đê biển, hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm. Ngoài ra. RNM còn là nơi bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các động vật khi nước triều dâng và sóng lớn.

Rừng ngập mặn mang lại các giá trị và dịch vụ to lớn cho đời sống, là vườn ươm và phát triển của nhiều loài thủy hải sản, cung cấp dược liệu, chất đốt, nguyên liệu cho công nghiệp, tạo cảnh quan cho du lịch và tham quan học tập, là tấm lá chắn phòng hộ vùng ven biển và lá phổi xanh hấp thụ khí các – bon – nic điều tiết nhiệt độ và khí hậu… Theo đánh giá của các chuyên gia, một khu rừng ngập mặn có chiều rộng 100m có thể làm giảm 50% chiều cao của sóng triều và giảm 50% năng lượng của sóng…

việt nam có diện tích rừng ngập mặn đứng thứ mấy trên thế giới

Với bờ biển dài trên 3.260 km tính trên phần lãnh thổ đất liền, Việt Nam có diện tích rừng ngập mặn lớn đứng thứ hai thế giới, sau rừng ngập mặn ở cửa sông Amazôn (Nam Mỹ). Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 1943 Việt Nam có trên 400 nghìn ha diện tích rừng ngập mặn. Tuy nhiên, trải qua hơn 6 thập niên bị tàn phá do chiến tranh cộng với việc khai thác quá mức, đến năm 2006, Việt Nam chỉ còn khoảng trên 155 nghìn ha diện tích rừng ngập mặn. Phải nói rằng trong những năm sau chiến tranh, các trang trại nuôi tôm là một trong những nguyên nhân chính khiến RNM dần biến mất. Phân tích hình ảnh của khu vực ĐBSCL năm 2011, khu vực điển hình của RNM cho thấy, từ năm 1973 – 2008, hơn một nửa RNM đã được chuyển đổi thành các trại nuôi tôm, gây xói mòn nghiêm trọng.

Có một thực tế mà các chuyên gia thừa nhận, đó là phá rừng ngập mặn thì dễ, nhưng phục hồi rất khó khăn và tốn kém. Tuy nhiên, với nhận thức mới về vai trò hệ sinh thái RNM cùng rất nhiều nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn của cộng đồng, diện tích rừng ngập mặn tại Việt Nam nói chung đã tương đối ổn định trong 10 năm trở lại đây. Cá biệt có nơi độ che phủ rừng ngập mặn thậm chí còn tăng lên như ở Nam Định. Các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển sinh kế cộng đồng đã góp phần nhất định vào thành công này. Ví dụ mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ở Giao Thủy (Nam Định), Cát Bà (Hải Phòng), Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Hậu Lộc (Thanh Hóa). Song các mô hình quản lý và phát triển rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng do các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ vẫn còn chưa nhiều, chưa được thể chế hóa vào các chương trình của địa phương và chính phủ, và nhìn chung thực trạng RNM trong cả nước vẫn là vấn đề đáng báo động, trong bối cảnh Việt Nam được cảnh báo là một trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu.

Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á tham gia Công ước Ramsar về vùng nước ngập nước, và tính đến năm 2013, Việt Nam đã có 5 vùng đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar, trong đó có 4 vùng rừng ngập mặn, đó là Vườn Quốc gia Xuân Thủy – Nam Định, Bàu Sấu thuộc vườn Quốc gia Cát Tiên – Đồng Nai, Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Cùng với việc qui hoạch các vùng RNM, Việt Nam cũng đã đổi mới chính sách Bảo tồn và phát triển bền vững rừng ngập mặn theo hướng để cao vai trò cộng đồng và sự hợp tác của các tổ chức quốc tế. Tháng 6/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt Dự án chương trình hợp tác kĩ thuật về bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với tổng nguồn vốn đầu tư 21 triệu euro, trong đó vốn tài trợ không hoàn lại từ chính phủ Đức và Australia là 18,35 triệu euro, còn lại là vốn đối ứng.

Trước đó, tháng 2/2012, Chính phủ ra quyết định về việc thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lí, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng, trong đó có rừng ngập mặn. Với quyết định này, người dân được quyền khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên và nuôi trồng các loài động vật, thực vật theo quy định trong phạm vi rừng đặc dụng. Đồng thời, họ cũng phải có nghĩa vụ bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên đặc biệt này.

Hiện nay, ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), những cánh rừng ngập mặn đang phục hồi và phát triển tốt nên đã tạo điều kiện cho một lượng lớn tôm, cua, cá và các loài thủy sản khác từ biển tìm vào cư trú, sinh sôi ngày một nhiều, tạo nên nguồn lợi thủy sản phong phú. Vì thế, mỗi ngày có tới hơn 1.000 người dân của 3 xã Giao Thủy, Giao An và Giao Hải vào khai thác kiếm sống. Sản phẩm khai thác của họ là tôm, cua, cá….

Khác với ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy ở Nam Định, người dân ở khu vực rừng ngập mặn Cần Giờ tại Tp. Hồ Chí Minh lại có cách cộng sinh từ rừng theo một mô hình khác. Theo Ban Quản lí rừng phòng hộ Cần Giờ, hiện có 141 hộ dân địa phương và 14 đơn vị nhà nước được giao khoán trồng và giữ rừng với tổng diện tích hơn 37 nghìn ha. Bình quân mỗi hộ nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ khoảng 70ha với mức tiền công 725.000 đồng/ha/năm. Như vậy, bình quân mỗi năm một hộ dân nhận khoán giữ rừng ở Cần Giờ được hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng từ nguồn vốn giao khoán trồng và bảo vệ rừng. Ngoài nguồn thu nhập trên, người giữ rừng còn được trả lương khi về hưu và được quyền chuyển lại hợp đồng cho con cháu sau khi kết thúc 30 năm nhận giao khoán.

Năm 2000 UNESCO đã công nhận rừng ngập mặn Cần Giờ là Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn của Thế giới và cũng là Khu Dự trữ sinh quyển đầu tiên ở Việt Nam. Giờ đây, rừng ngập mặn Cần Giờ đã thực sự trở thành “lá phổi xanh” của hơn 7 triệu dân Tp. Hồ Chí Minh và là bộ máy lọc tự nhiên khổng lồ có chức năng làm sạch không khí và nước thải từ các khu công nghiệp gần thượng nguồn sông Đồng Nai – Sài Gòn trước khi đổ ra Biển Đông. Không những thế, Cần Giờ còn trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn, mỗi năm thu hút khoảng 500 ngàn du khách đến tham quan các cảnh đẹp và di tích nổi tiếng như: Khu du lịch Vàm Sát, Khu Bảo tồn Thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ, Lâm Viên (đảo khỉ) …

Việc phục hồi hệ thống rừng ngập mặn, trong đó có rừng ngập mặn ở Xuân Thủy và Cần Giờ đã góp phần bảo vệ một hệ sinh thái rừng đặc dụng ven biển, tạo điều kiện cho người dân phát triển ổn định cuộc sống dựa vào nguồn tài nguyên rừng; và quan trọng hơn là thiết lập được một “bức tường xanh” vững chắc để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang đe dọa trực tiếp đến đời sống của hàng chục triệu người dân ven biển.

Xem thêm: Hai địa danh của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1999

Array

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *