Các nhà địa lý nước ngoài đã đánh giá: Có ba vịnh tự nhiên tốt nhất thế giới là San Francisco của Mĩ, Rio de Janeiro của Brazil và Cam Ranh của Việt Nam. Giới chuyên gia quân sự cũng thừa nhận nếu xây dựng tại đây một quân cảng thì Cam Ranh có tầm ảnh hưởng to lớn tới bản đồ địa chiến lược toàn cầu.
Tầm ảnh hưởng của cảng Cam Ranh
Năm 1935, thực dân Pháp bắt đầu lập căn cứ hải quân tại Cam Ranh. Đến năm 1940, Cam Ranh rơi vào tay Nhật Bản, trở thành bàn đạp để Nhật Bản tiến đánh Malaysia và các quần đảo thuộc địa của Hà Lan (nay là Indonesia). Từ năm 1965 đến 1972, Mĩ đã thỏa thuận với chính quyền Việt Nam Cộng hòa để xây dựng Cam Ranh thành một căn cứ quân sự khổng lồ, bao gồm cả hải lục không quân cũng như cứ điểm tiếp liệu và khí tài quân sự cho chiến tranh. Đặc biệt có thể đóng tại đây hàng vạn thủy quân lục chiến cơ động, cho phép khống chế hành lang phía Tây Thái Bình Dương.
Năm 1969, Tổng thống Mĩ Lyndon B.Johnson đã đến thị sát căn cứ này, và đó là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mĩ tới Việt Nam. Lúc đó, căn cứ không quân của Mĩ ở vịnh Cam Ranh rất lớn, bao gồm hai sân bay cho máy bay phản lực và một sân bay cho máy bay trực thăng, mỗi sân bay có sức chứa hơn 100 máy bay. Họ tiến hành khoét núi để xây dựng hầm chứa máy bay trong lòng núi, nâng cấp đường băng lớn có thể cho máy bay ném bom chiến lược B52 cất và hạ cánh. Vào lúc cao điểm, sân bay quân sự Cam Ranh có tần suất hạ cánh và cất cánh cao nhất thế giới. Hầu như không có căn cứ quân sự nào của Mĩ có quy mô và tính năng tổng hợp lớn như Cam Ranh.
Sau ngày đất nước thống nhất, Liên Xô kí với nước ta, khi ấy đã mang tên Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một hiệp định về việc sử dụng Cam Ranh làm Trạm cung ứng vật tư kĩ thuật cho Hạm đội Thái Bình Dương của họ trong 25 năm. Theo Hiệp định, Liên Xô xây dựng lại quân cảng Cam Ranh: xây thêm năm cầu cảng bổ sung vào hai cầu cảng đã có, xây dựng hai xưởng cạn, bến đậu tàu ngầm nguyên tử, các kho vũ khí và chứa nhiên liệu lớn, một nhà máy điện, mở rộng và làm mới nhiều đường sá. Liên Xô cũng xây dựng tại đây trạm tình báo thu tín hiệu gồm một hê thống vệ tinh chống liên lạc, anten chỉ đường tần số cao và một trạm vệ tinh kết nối trực tiếp với tổng hành dinh của Hạm đội Thái Bình Dương đặt tại Vladivostok.
Năm 1991, Liên Xô tan rã. Cuộc chiến tranh lạnh kết thúc. Cam Ranh được trả lại Việt Nam. Ngày 2-5-2002, lá cờ Nga được hạ xuống, sớm hai năm so với Hiệp định đã kí.
Các nhà chiến lược quân sự đều nhất trí nhận định: quân cảng này là một pháo đài vô cùng lợi hại, khó công, dễ thủ. Tạp chí Tin tức (Nga) viết: “Có lẽ cả Châu Á cũng không thể tìm kiếm được quân cảng nào đôc đáo và “nguy hiểm” như quân cảng Cam Ranh của Việt Nam”. Tuy nhiên, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không có ý định dùng Cam Ranh vào mục đích chiến tranh. Cho tới nay, chủ trương của ta vẫn là “không kí kết hiệp định với bất kì quốc gia nào để sử dụng Vịnh Cam Ranh vào mục đích quân sự”. Thay vào đó, sẽ “khai thác tiềm năng và lợi thế của Vịnh Cam Ranh để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội của đất nước”. Hiện đang có dự định biến căn cứ này vào mục đích kinh tế, tương tự như chính phủ Philippines đã làm với căn cứ không quân Clark sau khi được Mĩ trao trả.
Vẻ đẹp của vịnh Cam Ranh
Vịnh Cam Ranh được xem là một trong ba vịnh thiên nhiên tốt và đẹp nhất thế giới, với diện tích vùng vịnh kín tới 60km² và độ sâu trung bình 18 – 20m nước.
Vịnh Cam Ranh với vẻ đẹp nguyên sơ trải dài như một dải lụa xanh thẳm, chỗ hẹp nhất khoảng 10km, rộng nhất 20km. Vịnh gần như khép kín bởi bán đảo Cam Ranh từ phía Bắc chạy phủ kín cả phía Đông, phía Tây. Phía Nam vịnh là đất liền, chỉ mở ra một cửa lớn – được ví như một cánh tay ôm lấy vịnh, tạo thành một vành đai nên mặt nước luôn êm đềm. Du thuyền trên vịnh như đi trên thảm bởi không có sóng lớn… Quanh năm nắng ấm chan hòa, bầu trời trong xanh tạo cho mặt vịnh một màu xanh rất dễ chịu.
Thiên nhiên ở vịnh Cam Ranh đẹp gần như còn nguyên sơ: Những bãi cát trắng vàng, trải dài mịn màng như chưa bao giờ có dấu chân người (cát ở Cam Ranh có hàm lượng silic và titan rất lớn, từng xuất khẩu sang Nhật Bản để chế tạo thủy tinh), dưới lòng vịnh có những rặn san hô và những đàn cá nhiều màu sắc rất đẹp mắt. Nhưng đẹp nhất vẫn là những quần thể ghềnh đá granit do sự xâm thực của gió, của nước biển đã tạo nên những hình thù chồng chất. Vịnh còn có nhiều bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, bên cạnh những rặng dừa xanh cao vút, tạo nên nét đặc trưng của miền duyên hải Nam Trung Bộ.
Bán đảo Cam Ranh còn có một ưu thế lớn là trữ lượng nước ngọt đáng kể trong lòng đất (mặc dù ba phía là biển) khiến cho đất đai nơi đây trù phú, phủ kín bởi màu xanh tươi của cây trái. Nơi đây khi mùa xuân về, mai rừng nở rộ cả một khoảng trời. Bán đảo còn là nơi cư trú của nhiều loại thú rừng và không thể không kể đến những loại hải sản nổi tiếng xưa nay như: tôm hùm Bình Ba, sò huyết Thủy Triều…
Vịnh Cam Ranh là nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch biển quốc tế như: Bơi thuyền, câu cá, lặn biển xem san hô, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, leo núi… Xung quanh có núi bao bọc làm cho vùng biển luôn kín gió. Cam Ranh chỉ cách đường hàng hải quốc tế 1 giờ tàu biển (so với Hải Phòng cách 18 giờ).