Thành Nhà Hồ – Di sản văn hóa thế giới

Trong lịch sử các kinh đô của Việt Nam, mỗi kinh thành đều được định vị và xây dựng trong từng bối cảnh địa – văn hóa cụ thể và đều có vị trí, vai trò và đặc điểm riêng , tạo nên một bộ phận vô giá của di sản lịch sử và văn hóa dân tộc. Thành Nhà Hồ là một kinh thành tuy thời gian tồn tại không dài nhưng có nhiều đặc điểm và giá trị văn hóa độc đáo không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Thành Nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Thành Nhà Hồ còn được gọi là Thành Tây Đô, Thành Tây Giai, Thành An Tôn, thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15, là kinh đô của nước Đại Việt – vương triều Trần từ năm (1389-1400) và kinh đô của nước Đại Ngu – vương triều Hồ từ năm (1400-1407).

thành nhà hồ - di sản văn hóa thế giới

Thành hình gần vuông, mỗi cạnh trên dưới 800m, thành dày 4-6m, chân thành rộng trên 20m và chu vi trên 3,5km. Thành Nhà Hồ bao gồm bốn cửa theo bốn hướng nam, bắc, tây, đông, còn gọi là cửa tiền – hậu – tả – hữu. Bốn cửa thành xây theo kiểu vòm cuốn, cửa Nam là cửa vòm chính có ba cổng ra vào, dài trên 34m và cao hơn 10m.

Bốn bức tường thành được xây dựng bằng đá chắc chắn, tạo nên một chiến lũy uy nghiêm, sừng sững. Mỗi cửa đều được mở ở chính giữa. Các mặt thành có kỹ thuật ghép đá đạt đến trình độ cao. Những cổng thành được xếp các phiến đá theo hình múi cam, có kích thước rất lớn.

Với hai cánh cửa dày, nặng và chắc được thể hiện qua dấu vết để lại của những lỗ đục vào đá và những chỗ lắp ngưỡng cửa. Xưa kia khi đóng, khi mở bởi những bộ cánh cửa gỗ có bánh xe lăn, then cài chốt ngang. Thành ở vào địa thế khá hiểm trở, có lợi thế về phòng ngự quân sự, là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa. Vị trí xây thành đặc biệt hiểm yếu, có sông nước bao quanh, núi non hiểm trở, vừa có ý nghĩa chiến lược phòng thủ, vừa phát huy được ưu thế giao thông thủy bộ.

Đến với Thành Nhà Hồ, người ta ấn tượng nhất với nét độc đáo trong nghệ thuật lắp ghép những khối đá lớn từ 10-20 tấn, màu xanh rêu, đục đẽo tinh xảo, vuông vức thành một tòa hoàng thành vững chãi, chắc chắn mà không sử dụng bất kỳ một chất kết dính nào. Thế nhưng, Thành Nhà Hồ vẫn mang nét chung của thành quách bấy giờ là thành được bao bọc bởi con hào vừa rộng, vừa sâu, bốn mặt bên ngoài tường thành có rải chông.

Đá xây thành được khai thác ở núi An Tôn (xã Vĩnh Yên), hay núi Xuân Đài (xã Vĩnh Ninh), sau đó được gia công mài nhẵn, kỹ lưỡng, giúp tăng độ liên kết giữa các khối đá với nhau. Các khối đá được xếp chồng cao hơn 10m, nhưng kỳ diệu nhất vẫn là kỹ thuật xây dựng cửa vòm theo hình thoai thoải dần, uốn cong như mái che. Việc sử dụng đá để xây dựng nên một công trình đồ sộ như Thành Nhà Hồ là một hiện tượng đột khởi “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử kiến trúc Việt Nam.

Thành Nhà Hồ vừa mang thần thái của phương Đông truyền thống, vừa in đậm dấu ấn của một cuộc cách tân đất nước. Chỉ trong khoảng ba tháng, thời gian quá ngắn ngủi và gấp gáp, Thành nhà Hồ đã được hoàn thành. Bức tường thành vĩ đại ấy đã đi qua sáu trăm năm tuổi, qua bao thăng trầm và biến cố nhưng vẫn vẹn nguyên đến tận bây giờ.

Hào thành

Giá trị độc đáo nhất của Thành nhà Hồ là tòa kinh thành xây bằng đá… Tất cả nói lên một kỳ tích của con người, tài năng tổ chức, điều hành của công trình sư và lao động sáng tạo của các lớp dân phu, thợ thủ công các nghề làm đá, nung gạch ngói, xây dựng và trang trí…”. Các chuyên gia UNESCO xác nhận ở Đông Nam Á không có hoàng thành nào bằng đá như Thành nhà Hồ.

Giếng Vua, Nam Giao và một đoạn La thành

Theo các tài liệu để lại cùng công việc khảo cổ, nghiên cứu hiện trạng thì quần thể di sản Thành Nhà Hồ bao gồm Thành nội, Hào thành, La thành và Đàn tế Nam Giao nằm phía ngoài thành. Trong đó, Hoàng thành là công trình đồ sộ nhất đồng thời nguyên vẹn nhất còn lại cho đến nay.

Ngày 27-6-2011, Thành Nhà Hồ được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Và tối 16-6-2012, Thành Nhà Hồ chính thức đón bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới trong niềm tự hào của những người dân Thanh Hóa nói riêng và hàng triệu người dân Việt Nam nói chung.

Các Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận ở Việt Nam

Array

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *