Cảnh quan văn hóa Bali: Hệ thống Subak, biểu hiện của triết lý Tri Hita Karana – Di sản văn hóa thế giới ở Indonesia

Bali là một hòn đảo, một trong 33 tỉnh của Indonesia, có 3,15 triệu dân (năm 2000), diện tích khoảng 5632 km2. Đây là vùng đất đai màu mỡ, từ các hoạt động của núi lửa, kết hợp với khí hậu nhiệt đới tạo thành địa điểm lý tưởng cho việc trồng trọt.

Tên tiếng Anh: Cultural Landscape of Bali Province: the Subak System as a Manifestation of the Tri Hita Karana Philosophy
Năm công nhận: 2012
Tiêu chí: (ii)(iii)(v)(vi)
Diện tích: 19.519,9 ha với vùng đệm 1.454,8 ha
5 khu vực: Đền thờ nước tối cao Pura Ulun Danu Batur, Hồ Batur, Cảnh quan Subak ở lưu vực Pekerisan, Cảnh quan Subak ở Catur Angga Batukaru, Đền thờ nước Hoàng gia Pura Taman Ayun.

Tại đây, gạo được xem như là món quà của thượng đế và các hệ thống Subak là một phần của văn hóa thờ nước và văn hóa nông nghiệp.

Subak là một tổ chức xã hội và tôn giáo độc đáo của người dân Bali, được phát triển từ thế kỷ thứ 9, có vai trò quyết định việc sử dụng nước tưới (thủy lợi) trong canh tác lúa truyền thống.

Việc tổ chức sử dụng nước của Subak được thực hiện theo triết lý về ba điều tạo nên hạnh phúc – Tri Hita Karana:
Parahyangan: đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa con người và đấng tối cao.
Palemahan: đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa con người, thiên nhiên và môi trường.
Pawongan: đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa con người và cộng đồng của mình.

cảnh quan văn hóa bali: hệ thống subak, biểu hiện của triết lý tri hita karana - di sản văn hóa thế giới ở indonesia

Hệ thống Subak nằm trong phạm vi 5 xã: Badung, Bangli, Buleleng, Gianyar và Tabanan, bao gồm:

– Rừng bảo vệ nguồn nước;
– Hồ nước Batur (có nguồn gốc từ núi lửa; nước mưa chảy vào hồ, hòa tan các nhóm phosphate và khoáng chất trong lòng hồ, từ đó cung cấp nước cho toàn khu vực);
– Hệ thống kênh mương, đường hầm (River Irrigation Calal Subak);
– Đập tràn (Weir);
– Các cơ sở tôn giáo gắn với tục thờ nước, thần nước và tham gia quản lý nước (Water Temple); Ngôi đền là trọng tâm của việc hợp tác quản lý nước trong tiểu lưu vực tưới nước, là những tổ chức độc đáo, bắt nguồn từ truyền thống tôn giáo cổ đại Hindu giáo, Phật giáo và của khu vực Nam Đảo (Austronesian);
– Ruộng lúa bậc thang gắn với tiểu lưu vực tiêu nước (Catment Basin);
– Làng xóm.

Tất cả liên kết với nhau qua hệ thống quản lý nước Subak, nhằm đảm bảo cung cấp nước một cách công bằng tới các khu vực canh tác lúa và định hình cảnh quan nơi đây với diện tích tổng cộng lên đến khoảng 19500 ha, bao gồm khoảng 1200 tiểu lựu vực tiêu nước (quản lý nước) và 50-400 người tham gia quản lý việc cung cấp nước từ các nguồn nước.

Subak là một hệ thống công nghệ sắp xếp lối phối hợp canh tác giữa các thành viên trong cộng đồng, lan truyền từ đời này sang đời khác theo nghi lễ tôn giáo và truyền thống của tổ tiên. Việc phân phối nước một cách công bằng được thực hiện qua việc: Thảo luận và dàn xếp với nhau, thậm chí cả về loại giống lúa và thời gian trồng; Cầu xin thần linh phù hộ cho may mắn; Tuyên thệ thực hiện theo các cam kết và quy định xử phạt do vi phạm được tiến hành bởi các nghi lễ thực hiện trong đền thờ.

Hệ thống canh tác tại đây được vận hành hoàn hảo đến tận ngày nay theo kiểu truyền thống Bali mà không cần sự trợ giúp của phân bón hay thuốc trừ sâu, nơi mà cảnh quan tự nhiên có ý nghĩa thiêng liêng.

Các nhóm hạng mục công trình chính trong Khu vực Di sản:

Gồm 4 nhóm:

1) Khu vực hồ Batur và đền nước chính Ulun Danu Batur (Supreme Water Temple of Pura Ulun Danu Batur), nằm ​​ở cuối của hồ Batur, điểm khởi nguồn của hệ thống thủy lợi Subak.
2) Cảnh quan Subak của khu vực Pakerisan Watershed (Subak Landscape of Pakerisan Watershed ).
3) Cảnh quan Subak của khu vực Catur Angga Batukaru (Subak Landscape of Catur Angga Batukaru).
4) Đền Taman Ayun (Royal Water Temple Pura Taman Ayun), một trong những ngôi chùa lớn nhất với kiến trúc nổi tiếng nhất trong khu vực Di sản, tiêu biểu cho sự mở rộng đầy đủ của hệ thống Subak dưới thời chính phủ hoàng gia Bali trong thế kỷ 19.

1. Đền thờ nước tối cao Pura Ulun Danu Batur và hồ Batur

Đền Pura Ulun Danu Batur là đền thờ nước tối cao (Supreme Water Temple) nằm bên bờ hồ Batur, có nguồn gốc là miệng núi lửa, nằm tại cao độ 1200m so với mực nước biển, được coi là nguồn gốc tối hậu của mỗi con sông con suối tại Bali.

Đền được xây dựng vào năm 1633, là nơi tổ chức các buổi lễ cúng dường liên quan đến tục thờ nước và thờ nữ thần sông Dewi Danu của người Bali. Đây là ngôi đền quan trọng thứ hai sau đền Pura Besakih tại Bali.

Vào năm 1926, ngôi đền và các ngôi làng Batur xung quanh bị núi lửa phun trào, phá hủy hoàn toàn. Sau đó, đền và ngôi làng được xây dựng lại vào năm 1926 tại rìa miệng núi lửa. Vị sư trụ trì đền thờ có vai trò quan trọng trong việc phân phối nước tại hệ thống Subak.

Đền Pura Ulun Danu Batur ngày nay là một quần thể gồm 9 cụm đền, gồm 285 gian thờ các vị thần nước, nông nghiệp, nghệ thuật, thủ công…Cụm đền chính có 1 tháp cao 11 tầng, 3 tháp cao 9 tầng…

Ven hồ Batur có một hòn đảo nhỏ, là nơi đặt đền Danau Beratan.

2. Cảnh quan Subak tại Khu vực Pakerisan Watershed

Cảnh quan Subak tại Khu vực Pakerisan Watershed (Subak Landscape of Pakerisan Watershed – Khu vực B) có quy mô nhỏ, nằm tại phía nam của khu vực A, là một hệ thống ruộng bậc thang xen kẽ với các ngôi đền thờ nước và khu dân cư nằm dọc sông Pakerisan. Tai đây có đền thờ Gunung Kawi (Gunung Kawi Temple of the Pakerisan watershed), được xây dựng vào thế kỷ 11, gồm 10 miếu thờ cắt vào trong đá.

3. Cảnh quan Subak tại Khu vực Catur Angga Batukaru

Cảnh quan Subak tại Khu vực Catur Angga Batukaru (Subak Landscape of Catur Angga Batukaru – Khu vực C) có quy mô diện tích lớn khoảng 17.000 ha, bao gồm hồ Buyan và Tamblingan, rừng núi Batukaru. Hiện tại đây có 20 nhóm Subak và đền thờ với tổng số thành viên khoảng 4500 nông dân.

Trong khu vực có đền Pura Luhur Batukaru, là một ngôi đền Hindu ở Tabanan, nằm tại sườn phía nam của núi Batukaru, là ngọn núi lửa cao thứ hai tại Bali, xung quanh có 4 ngôi đền hỗ trợ (Tambuwaras, Muncaksari, Petali và Besikalung). Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 11, bị phá hủy trong năm 1604, được xây dựng lại vào năm 1959. Trong đền có một tháp chính cao 7 tầng thờ thần núi Batukaru.

Hệ thống các ruộng bậc thang nơi đây còn được gọi là Jatiluwih (Jatiluwih Rice Terrace; Jati có nghĩa là thực sự và Luwih đặc biệt, tốt, đẹp), kéo dài từ chân núi Batukaru với cao độ 700m đến ven biển; có diện tích khoảng 636 ha.

4. Đền thờ nước Hoàng gia Pura Taman Ayun

Đền Pura Taman Ayun (Pura Taman Ayun Temple) được xây dựng vào năm 1634, trùng tu vào năm 1750, là ngôi chùa Hoàng gia lớn nhất của Bali thời bấy giờ. Công trình là đại diện tiêu biểu cho tầm quan trọng và sự mở rộng tối đa của của hệ thống Subak dưới thời vương quốc Bali.

Pura Taman Ayun có nghĩa là khu vườn xinh đẹp và được coi là một trong những ngôi đền hấp dẫn nhất của Bali. Đền nằm trong một công viên, gần làng Mengwi, Badung, Bali; được bao quanh 3 phía (đông, nam và tây) bởi hệ thống kênh. Lối chính vào đền thông qua một cây cầu tại phía nam. Đền có hai cổng: Cổng ngoài (Split Gate) và cổng trong (Covered Gate). Khu vực đền nội có mặt bằng hình chữ nhật, được giới hạn bởi một hào nước.

Bản đồ Cảnh quan văn hóa Bali: Hệ thống Subak

Đền thờ nước tối cao Pura Ulun Danu Batur

Đền thờ nước Hoàng gia Pura Taman Ayun

Video về Cảnh quan văn hóa Bali: Hệ thống Subak, biểu hiện của triết lý Tri Hita Karana

Những Di sản Văn hóa/Thiên nhiên Thế giới được UNESCO công nhận

Array

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *