Khối Đồng Minh thời Chiến tranh Thế giới thứ hai

Đồng Minh, được gọi là Liên Hợp Quốc sau Tuyên ngôn ngày 1 tháng 1 năm 1942, là tên gọi một khối các quốc gia liên kết quân sự với nhau chống lại phe Trục trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Phe Đồng Minh đã thúc đẩy liên minh như một biện pháp kiểm soát sự bành trướng của Đức, Nhật Bản và Ý.

khối đồng minh trong thời chiến tranh thế giới thứ hai

Khi cuộc chiến bùng nổ ngày 1 tháng 9 năm 1939, quân Đồng Minh lúc đó bao gồm các nước Anh, Pháp, Ba Lan, cũng như các lãnh thổ phụ thuộc của các quốc gia đó, như Ấn Độ thuộc Anh. Một số vùng lãnh thổ tự trị độc lập thuộc Khối thịnh vượng chung Anh: Úc, Canada, New Zealand và Nam Phi cũng đã gia nhập phe này vài ngày sau đó. Ngoài ra, Hà Lan, Bỉ, Hy Lạp và Nam Tư đã gia nhập quân Đồng Minh khi nước Đức phát xít bắt đầu tiến hành các chiến dịch xâm chiếm Bắc Âu và vùng Balkan. Liên bang Xô viết sau khi kí kết Hiệp ước Molotov – Ribbentrop, đã cùng với Đức tiến hành chiếm đóng Ba Lan, nhưng vẫn trung lập trong cuộc xung đột với phe Đồng Minh, Liên Xô chỉ gia nhập khối này vào tháng 6 năm 1941 khi Đức Quốc xã mở các cuộc tấn công vào nước này. Hoa Kỳ thì cung cấp các trang thiết bị, phương tiện chiến tranh và tiền bạc từ lâu, và chỉ chính thức nhảy vào cuộc chiến vào tháng 12 năm 1941 sau khi Nhật Bản bất ngờ các cuộc oanh tạc các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hawaii. Trước đó, Trung Quốc đã có một cuộc chiến kéo dài với nước Nhật đế quốc kể từ Sự kiện Lư Câu Kiều năm 1937, nhưng chỉ chính thức gia nhập Đồng Minh vào năm 1941.

Liên minh quân sự này được chính thức hóa bởi bản Tuyên ngôn Liên Hợp Quốc từ ngày 1 tháng 1 năm 1942. Tuy nhiên, cái tên “Liên Hợp Quốc” hiếm khi được sử dụng để mô tả quân Đồng Minh trong các cuộc chiến tranh. Các nhà lãnh đạo thuộc khối “Tam cường Đồng Minh” lúc đó gồm Liên Xô, Anh và Hoa Kỳ đã kiểm soát chiến lược phe phái này; trong đó, quan hệ giữa Anh với Mỹ là đặc biệt gần gũi. Tam cường cùng với Trung Quốc được gọi là “người ủy trị của quyền lực thế giới”, sau đó được công nhận là “Tứ cự đầu” của phe Đồng Minh trong Tuyên bố Liên Hợp Quốc và sau là “Tứ cảnh sát” của Liên Hợp Quốc. Sau khi cuộc thế chiến kết thúc, các quốc gia thuộc khối Đồng Minh xưa, nay trở thành nền tảng của tổ chức Liên Hợp Quốc hiện đại.

Nguồn gốc và hình thành

Nguồn gốc của khối Đồng Minh bắt nguồn từ Khối Đồng Minh thời Thế chiến thứ nhất và sự hợp tác của các cường quốc thắng trận tại Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919. Nước Đức đế quốc không bằng lòng ký Hòa ước Versailles. Tính hợp pháp của chế độ Cộng hòa Weimar mới bị lung lay.

Với việc thị trường chứng khoán phố Wall sụp đổ năm 1929 và tiếp theo cuộc Đại khủng hoảng, bất ổn chính trị ở châu Âu tăng vọt trong đó có sự gia tăng trong việc hỗ trợ chủ nghĩa phục thù dân tộc ở Đức, họ đổ lỗi cho mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế lên Hòa ước Versailles. Đến đầu những năm 1930, Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa do Adolf Hitler lãnh đạo đã trở thành phong trào phục thù thống trị ở Đức, Hitler và phe Quốc xã đã giành được quyền lực vào năm 1933. Chính quyền Đức phát xít yêu cầu hủy bỏ ngay lập tức bản hòa ước và đưa ra yêu sách đối với nước Áo, nơi có nhiều người Đức sinh sống và các vùng lãnh thổ thuộc Tiệp Khắc của Đức. Khả năng xảy ra chiến tranh là rất cao, và câu hỏi đặt ra là liệu nó có thể tránh được thông qua các chiến lược như nhượng bộ.

Tại châu Á, khi Nhật Bản tiến hành các chiến dịch chiếm Mãn Châu năm 1931, tổ chức quốc tế Hội Quốc Liên đã lên án hành vi xâm lược Trung Quốc. Nước Nhật đã đáp trả bằng cách rời khỏi tổ chức vào tháng 3 năm 1933. Sau bốn năm yên ổn, Chiến tranh Trung – Nhật bùng nổ vào năm 1937 với quân đội Nhật xâm chiếm Trung Quốc. Hội Quốc Liên tiếp tục lên án hành động và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nước này. Hoa Kỳ đặc biệt giận dữ với Nhật Bản và tìm cách hỗ trợ nước Trung Hoa Dân Quốc.

Vào tháng 3 năm 1939, Đức xâm lược Tiệp Khắc, điều đó vi phạm Hiệp ước München mà Đức Quốc xã đã kí kết sáu tháng trước đó, và chứng minh rằng chính sách nhượng bộ là một thất bại. Anh và Pháp quyết định rằng Hitler không có ý định duy trì các thỏa thuận ngoại giao và đáp trả bằng cách chuẩn bị cho cuộc chiến tranh. Vào ngày 31 tháng 3 năm 1939, Anh thành lập Liên minh quân sự Anh – Ba Lan trong nỗ lực ngăn chặn một cuộc tấn công của Đức vào đất nước này. Trước đó, người Pháp đã liên minh với Ba Lan kể từ năm 1921. Liên Xô thì tìm kiếm một liên minh với các cường quốc phương Tây, nhưng Hitler đã chấm dứt nguy cơ chiến tranh với Stalin bằng cách ký Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau vào tháng 8 năm 1939. Thỏa thuận đã bí mật phân chia các quốc gia độc lập ở Đông Âu giữa hai cường quốc và đảm bảo cung cấp đủ dầu cho cỗ máy chiến tranh của Đức. Vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, Đức tiến đánh Ba Lan; hai ngày sau, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức. Tiếp theo đó, vào ngày 17 tháng 9 năm 1939, Liên Xô tấn công Ba Lan từ phía đông. Chính phủ lưu vong Ba Lan được thành lập và nó tiếp tục là một trong những đồng minh, một mô hình theo sau bởi các quốc gia bị chiếm đóng khác. Sau một mùa đông yên ổn, Đức vào tháng 4 năm 1940 đã xâm chiếm và nhanh chóng đánh bại lần lượt các nước Tây Âu như Đan Mạch, Na Uy, Bỉ, Hà Lan và Pháp. Anh và đế chế của nó một mình chống lại Hitler và Mussolini. Vào tháng 6 năm 1941, Hitler đã xé bỏ thỏa thuận không xâm lược với Stalin và mở các cuộc tấn công vào Liên bang Xô viết. Vào tháng 12, Nhật Bản tấn công Hoa Kỳ và Anh. Các phe chính của Thế chiến II được hình thành.

Những quốc gia thuộc khối Đồng Minh

Sau khi Đức Quốc Xã chiếm Ba Lan
  •  Ba Lan: 1/9/1939
  •  Anh: 3/9/1939
  •  Pháp: 3/9/1939
  •  Úc: 3/9/1939
  •  New Zealand: 3/9/1939
  •  Nepal: 4/9/1939
  •  Nam Phi: 6/9/1939
  •  Canada: 3/9/1939

Sau khi kết thúc chiến tranh kỳ quặc

  •  Na Uy: 9/4/1940
  •  Bỉ: 10/5/1940
  •  Luxembourg: 10/5/1940
  •  Hà Lan: 10/5/1940
  •  Hy Lạp: 28/5/1940
  •  Nam Tư: 6/4/1941
  •  Liên Xô: 22/6/1941

Sau khi Nhật oanh tạc Trân Châu Cảng

  •  Panama: 7/12/1941
  •  Costa Rica: 8/12/1941
  •  Cộng hoà Dominicana: 8/12/1941
  •  El Salvador: 8/12/1941
  •  Haiti: 8/12/1941
  •  Honduras: 8/12/1941
  •  Nicaragua: 8/12/1941
  •  Hoa Kỳ: 8/12/1941
  •  Trung Hoa Dân Quốc: 9/12/1941
  •  Guatemala: 9/12/1941
  •  Cuba: 9/12/1941
  •  Đại Hàn Dân Quốc: 10/12/1941
  •  Tiệp Khắc: 16/12/1941
Sau ngày ký kết Hiến chương Đại Tây Dương
  •  México: 22/5/1942
  •  Brasil: 22/8/1942
  •  Ethiopia: 14/12/1942
  •  Iraq: 17/1/1943
  •  Bolivia: 7/4/1943
  •  Iran: 9/9/1943
  •  Ý: 13/10/1943 (trước theo khối Trục)
  •  Colombia: 26/11/1943
  •  Liberia: 27/1/1944

Sau ngày đổ bộ Normandie

  •  Romania: 25/8/1944 (trước theo khối Trục)
  •  Bulgaria: 8/9/1944 (trước theo khối Trục)
  •  San Marino: 21/9/1944
  •  Albania: 26/10/1944
  •  Hungary: 20/1/1945 (trước theo khối Trục)
  •  Bahawalpur: 2/2/1945
  •  Ecuador: 2/2/1945
  •  Paraguay: 7/2/1945
  •  Peru: 12/2/1945
  •  Uruguay: 15/2/1945
  •  Venezuela: 15/2/1945
  •  Thổ Nhĩ Kỳ: 23/2/1945
  •  Liban: 27/2/1945
  •  Ả Rập Xê Út: 1/3/1945
  •  Phần Lan: 3/3/1945
  •  Argentina: 27/3/1945
  •  Chile: 11/4/1945
  •  Mông Cổ: 9/8/1945
  •  Việt Minh: 19/8/1945

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version