Vườn quốc gia Ujung Kulon nằm ở cực tây của đảo Java, Indonesia, bao gồm đảo Panaitan (Panaitan Island) và Peucang (Peucang Island) ở eo biển Sunda; bán đảo Honje (Honje Nature Reserve) và nhóm đảo núi lửa Krakatoa (Krakatau Islands) thuộc tỉnh Lampung.
Tên tiếng Anh: Ujung Kulon National Park
Địa điểm: Tỉnh Banten (trước đây là West Java) và Lampung
Năm công nhận: 1991
Tiêu chí: (vii)(x)
Diện tích: 78.525 ha gồm 5 khu vực: bán đảo Ujung Kulon, khu bảo tồn tự nhiên Honje, đảo Panaitan, đảo Peucang, khu bảo tồn tự nhiên Krakatau.
Vườn quốc gia Ujung Kulon giữ được vẻ đẹp tự nhiên và sở hữu một hệ thực vật và động vật rất đa dạng, thể hiện quá trình tiến hóa địa chất từ các vụ phun trào của hòn đảo núi lửa Krakatau vào năm 1883 (gây sóng thần làm 36 ngàn người thiệt mạng và tàn phá toàn bộ phía bắc khu vực đảo).
Núi lửa Krakatau là một phần của công viên, là nơi được biết đến và nghiên cứu nhiều nhất trong số các vụ phun trào núi lửa hiện đại.
Trước đây, phần diện tích đất liền chính của Ujung Kulon là đất canh tác khai phá từ rừng. Sau năm 1883, dân cư chuyển đi nơi khác và nơi đây lại trở thành rừng.
Công viên là môi trường sống tự nhiên cuối cùng và quan trọng nhất của loài tê giác một sừng Java (Rhinoceros Sondaicus) cùng với một số loại động, thực vật đang bị đe dọa khác.
Tại Vườn quốc gia Ujung Kulon hiện ước tính còn khoảng 60 cá thể tê giác Java; có 142 loài cá, 33 loài san hô, 59 loài bò sát, 22 loài lưỡng cư, 270 loài chim, 35 loài động vật có vú, 5 loài linh trưởng bản địa…Tại đây có các thảm thực vật tự nhiên của vùng đất thấp, rừng mưa nhiệt đới, rừng ven biển, rừng ngập mặn, rạn san hô với khoảng 700 loài thực vật, 57 loài trong số đó là đặc biệt và quý hiếm.
Di sản Vườn quốc gia Ujung Kulon nằm trên mũi phía tây của đảo Java, Indonesia, gồm 5 khu vực chính:
1. Bán đảo Ujung Kulon
Bán đảo Ujung Kulon (Ujung Kulon Peninsula) có diện tích 39120ha, là một bán đảo vươn ra Ấn Độ Dương.
Vụ nổ núi lửa Krakatau gần đó vào năm 1883 đã tạo ra một cơn sóng thần xóa sổ các làng mạc và hoa màu của các khu vực ven biển trên bán đảo phía tây và bao phủ toàn bộ khu vực trong một lớp tro dày. Điều này khiến phải sơ tán toàn bộ con người ra khỏi bán đảo, cho phép nơi đây trở thành một khu vực lưu trữ phần lớn hệ động thực vật của Java và hầu hết các khu rừng đất thấp còn lại trên bán đảo.
2. Khu bảo tồn thiên nhiên Honje
Khu bảo tồn thiên nhiên Honje (Honje Nature Reserve/ Gunung Honje) có diện tích 19500ha, nằm tại phía đông của Bán đảo Ujung Kulon.
3. Đảo Panaitan
Đảo Panaitan (Panaitan Island) có diện tích 17050ha, là một khu bảo tồn thiên nhiên lớn, nằm cách Công viên Quốc gia Ujung Kulon khoảng 10 km về phía tây bắc và ngay gần mũi tây nam của Tây Java.
Panaitan là một hòn đảo không có người ở và là nơi sinh sống của quần thể hươu, hổ, báo, rắn và nhiều dạng động vật hoang dã quý hiếm khác.
4. Đảo Peucang
Đảo Peucang (Peucang Island) có diện tích 450ha, là một hòn đảo nhiệt đới nhỏ, nằm tại phía bắc đảo Ujung Kulon. Tại đây đã tìm được nhiều loài động vật hoang dã khác nhau và là nơi cư trú của loai tê giác Java Rhino, hiện gần như đã tuyệt chủng.
5. Nhóm đảo núi lửa Krakatau
Indonesia có hơn 130 núi lửa đang hoạt động, nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào. Phần lớn những ngọn núi lửa này nằm dọc theo hai hòn đảo lớn nhất của Indonesia là Java và Sumatra, trong đó có nhóm đảo núi lửa Krakatau (Krakatau/Krakatoa Islands).
Nhóm đảo núi lửa Krakatoa có diện tích 2405ha, gồm 4 hòn đảo: 2 trong số đó là Lang và Verlaten, là tàn tích của một vụ phun trào núi lửa xa xưa; Rakata, là tàn tích của một hòn đảo bị phá hủy trong vụ phun trào năm 1883; Năm 1927, một hòn đảo thứ tư, Anak Krakatau, xuất hiện từ miệng núi lửa được hình thành vào năm 1883.
Các hòn đảo đã trở thành một nghiên cứu điển hình về địa lý sinh học đảo và về một quần thể sinh thái hình thành hoàn toàn mới trong một môi trường hầu như đã hoàn toàn bị hủy diệt và cho thấy sự tái tạo nhanh chóng hệ động thực vật trong khu vực.
Bản đồ Vườn quốc gia Ujung Kulon
Video về Vườn quốc gia Ujung Kulon
Những Di sản Văn hóa/Thiên nhiên Thế giới được UNESCO công nhận