Rừng mưa nhiệt đới Sumatra – Di sản thiên nhiên thế giới ở Indonesia

Sumatra là một hòn đảo ở phía tây Indonesia. Đây là hòn đảo lớn nhất của Indonesia và là hòn đảo lớn thứ 6 trên thế giới với diện tích 470.000 km2.

Tên tiếng Anh: Tropical Rainforest Heritage of Sumatra
Địa điểm: Tỉnh Nanggroe Aceh Darussalam, Sumatra Utara (Bắc Sumatra), Jambi, Sumatra Barat (Tây Sumatra), Sumatra Selatan (Nam Sumatra), Bengkulu, và Lampung trên đảo Sumatra
Năm công nhận: 2004
Tiêu chí: (vii)(ix)(x)
Diện tích: 2,595,124 ha
Tình trạng: Đang bị đe dọa (từ 2011 – nay)

Di sản rừng mưa nhiệt đới ở đảo Sumatra (Tropical Rainforest Heritage of Sumatra), Indonesia bao gồm ba công viên quốc gia riêng biệt: Công viên quốc gia Gunung Leuser (Gunung Leuser National Park – GLNP); Công viên quốc gia Kerinci Seblat (Kerinci Seblat National Park – KSNP); Công viên quốc gia Bukit Barisan Selatan (Bukit Barisan Selatan National Park – BBSNP).

Cả 3 công viên nằm giữa xích đạo, cách xa nhau, chạy dọc theo dãy núi Bukit Barisan, còn được gọi là dãy Andes của Sumatra (Andes là dãy núi dài nhất trên thế giới, nằm tại vùng cao nguyên rìa phía tây của Nam Mỹ).

Di sản rừng mưa nhiệt đới ở Sumatra bao gồm các ngọn núi lửa cao nhất ở Indonesia (Gunung Kerinci cao 3,805m), cùng với nhiều tính năng vật lý khác của vẻ đẹp tự nhiên đặc biệt, bao gồm: hồ tại các miệng núi lửa (hồ Gunung Tujuh nằm tại cao độ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), lỗ phun khí, thác nước, hệ thống hang động, các nền đá dốc…

Công viên quốc gia Gunung Leuser và Công viên quốc gia Bukit Barisan có mặt tiếp giáp với Ấn Độ Dương, làm cho khoảng độ cao địa hinh khu vực Di sản mở rộng, từ ngọn núi cao nhất trên đảo Sumatra đến mặt biển.

Theo độ cao, tại đây có một sự đa dạng đáng kinh ngạch của hệ sinh thái, từ thảm thực vật, rừng vùng núi cao, rừng mưa nhiệt đới tại vùng núi thấp, rừng ven biển…

Cả 3 công viên với quy mô diện tích 2.595.124 ha, tạo thành một trong những khu bảo tồn lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á; nơi có tiềm năng to lớn cho việc bảo tồn lâu dài các hệ sinh vật đa dạng của Sumatra, trong đó có nhiều loài đang bị đe dọa.

1. Công viên quốc gia Gunung Leuser

Công viên quốc gia Gunung Leuser (Gunung Leuser National Park – GLNP) có diện tích 862.974ha, nằm tại phía Bắc của đảo Sumatra; giữa biên giới các tỉnh Bắc Sumatra và Aceh.

Công viên được đặt theo tên của núi Leuser (3.119 m) thuộc dãy núi Barisan.

Công viên quốc gia Gunung Leuser dài khoảng 150 km, rộng khoảng 100 km và chủ yếu là núi với điều kiện địa hình đồi núi dốc gần như không thể tiếp cận được.

Khoảng 40% diện tích của công viên, chủ yếu ở phía tây bắc, là dốc và độ cao trên 1.500 m. Khu vực này được coi là khu vực hoang dã lớn nhất ở Đông Nam Á. Khoảng 12% diện tích của công viên, ở nửa dưới phía nam, nằm dưới mực nước biển 600 m. Mười một đỉnh cao hơn 2.700 m. Núi Leuser (3.119 m) là đỉnh cao thứ ba trên Dãy Leuser. Đỉnh cao nhất là núi Tanpa Nama (3.466 m), đỉnh cao thứ hai ở Sumatra sau núi Kerinci (3.805 m).

Vườn quốc gia bao gồm các hệ sinh thái bản địa từ bờ biển đến vùng núi cao được bao phủ bởi những khu rừng rậm đặc trưng của mưa nhiệt đới, bao gồm rừng ngập mặn, rừng đầm lầy, rừng nhiệt đới đất thấp, rừng rêu, và đến rừng dưới núi lửa.

Với các hệ sinh thái khác nhau. Công viên quốc gia Gunung Leuser được chia thành các khu vực bảo tồn thiên nhiên khác nhau, quản lý bởi hệ thống phân vùng cho mục đích nghiên cứu, khoa học, giáo dục, hỗ trợ trồng trọt, du lịch và giải trí.

Công viên quốc gia Gunung Leuser là một trong hai môi trường sống còn lại của đười ươi Sumatra (Pongo abelii).

2. Công viên quốc gia Kerinci Seblat

Công viên quốc gia Kerinci Seblat (Kerinci Seblat National Park – KSNP) có diện tích 1.375.350ha, là vườn quốc gia lớn nhất trên đảo Sumatra, Indonesia, trải dài qua 4 tỉnh: Tây Sumatra, Jambi, Bengkulu và Nam Sumatra.

Công viên quốc gia Kerinci Seblat bao gồm một phần lớn dãy núi Barisan, tạo thành cột sống phía tây của đảo Sumatra và bao gồm đỉnh núi cao nhất ở Sumatra, núi Kerinci (3.805 m), một trong hơn năm ngọn núi lửa đang hoạt động trong vườn quốc gia. Trong công viên có suối nước nóng, sông ghềnh, hang động, thác nước đẹp và hồ có miệng núi lửa cao nhất Đông Nam Á – Hồ Gunung Tujuh.

Nét đứt gãy Đại Sumatra (Great Sumatran Fault) chạy qua vườn quốc gia khiến khu vực này thu hút sự quan tâm của các nhà địa chất.

Công viên là nơi có hệ động thực vật đa dạng.

Tại đây có hơn 4.000 loài thực vật đã được xác định trong khu vực công viên, trong đó có loài hoa lớn nhất thế giới Rafflesia Arnoldi và loài thực vật có cụm hoa không phân nhánh lớn nhất Titan Arum (Amorphophallus titanum/ Hoa xác chết).

Hệ động vật tại đây bao gồm hổ Sumatra và Công viên quốc gia Kerinci Seblat là một trong 12 khu bảo tồn quan trọng nhất trên thế giới về bảo tồn hổ. Tại đây ước tính có khoảng 165-190 cá thể. Ngoài ra tại đây còn là nơi sinh sống của các loại mèo lớn, vừa và nhỏ khác như báo mây / macan dahan (Neofelis nebulosa), mèo cẩm thạch / kucing batu (Pardofelis marmorata), mèo báo / kucing hutan (Prionailurus bengalensis) và mèo vàng châu Á/ kucing emas (Catopuma temminckii).

Công viên quốc gia Kerinci Seblat là nơi sinh sống của một số loài nguy cơ tuyệt chủng cao như hố Sumatra, voi Sumatra, báo mây Sunda, heo vòi Malayan, gấu chó Malayan, hươu Muntjak, hoẵng Sumatra, tê giác Sumatra.

Đây là môi trường sống của hơn 370 loài chim, trong đó 17 trong số 20 loài chim đặc hữu của Sumatra.

3. Công viên quốc gia Bukit Barisan Selatan

Công viên quốc gia Bukit Barisan Selatan (Bukit Barisan Selatan National Park – BBSNP) có diện tích 356.800ha, nằm dọc theo dãy núi Bukit Barisan, phía Nam của đảo Sumatra, trải dài qua 3 tỉnh: Lampung, Bengkulu và Nam Sumatra.

Công viên quốc gia Bukit Barisan Selatan chỉ rộng 45 km nhưng dài 350 km. Phần phía bắc là núi với điểm cao nhất là Gunung Pulung (1.964 m), trong khi phần phía nam là bán đảo.

Công viên được bao phủ bởi rừng trên núi, rừng nhiệt đới đất thấp, rừng ven biển và rừng ngập mặn.

Các loài thực vật trong công viên bao gồm cọ Nipa, Casuarina equisetifolia, Anisoptera curtisii và Gonystylus bancanus, cũng như các loài cây ngập mặn Sonneratia, Pandanus, Shorea và Dipterocarpus. Các loài hoa lớn trong công viên bao gồm Rafflesia arnoldii , Amorphophallus decus-silvae , Amorphophallus titanum và loài lan lớn nhất thế giới Grammatophyllum speciosum.

Công viên là nhà của nhiều loài nguy cấp và bị đe dọa, bao gồm: Voi Sumatra (khoảng 500 con); Thỏ sọc Sumatra, Tê giác Sumatra. Trong công viên còn có khoảng 40 hổ Sumatra, heo vòi, gấu chó, hươu chuột, heo vòi Malayan, vượn mực Siamang, vọc đen Surili Sumatra, gấu chó và hươu chuột. Tại đây có hơn 300 loài chim trong công viên, ví như chim cu gáy Sumatra là loài đe dọa tuyệt chủng.

Bản đồ Rừng mưa nhiệt đới ở đảo Sumatra

Video về Rừng mưa nhiệt đới trên đảo Sumatra

 Những Di sản Văn hóa/Thiên nhiên Thế giới được UNESCO công nhận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version