Sự khác nhau giữa Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Thế giới

Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) và Hoa hậu Thế giới (Miss World) đều là những cuộc thi hoa hậu lớn trên thế giới. Sau đây hãy cùng so sánh hai cuộc thi sắc đẹp nổi tiếng này.

khác nhau giữa hoa hậu hoàn vũ và hoa hậu thế giới

1. Hoa hậu Hoàn vũ

Hoa hậu Hoàn vũ (tiếng Anh: Miss Universe) là cuộc thi sắc đẹp quốc tế thường niên lớn thứ nhất trên thế giới theo Missosology và Globals Beauties với quy mô trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cuộc thi được bắt đầu vào năm 1952 do công ty quần áo Pacific Mills ở California sáng lập. Cuộc thi này thuộc về Kayser-Roth, sau đó là của Tập đoàn Gulf và Western trước khi nhường lại cho Donald Trump vào năm 1996. Năm 2015, cuộc thi này thuộc về WME/IMG cùng với cuộc thi Hoa hậu Mỹ (Miss USA) và Hoa hậu Tuổi Teen Mỹ (Miss Teen USA). Cuộc thi được tổ chức bởi Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe Organization)[1].

Cùng với các cuộc thi Hoa hậu Thế giới (Miss World), Hoa hậu Quốc tế (Miss International) và Hoa hậu Trái Đất (Miss Earth), Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) là một trong những cuộc thi sắc đẹp thường niên lớn nhất thế giới, gọi chung là Tứ đại Hoa hậu.

Đương kim Hoa hậu Hoàn vũ hiện nay là Andrea Meza đến từ Mexico được trao vương miện vào ngày 16 tháng 5 năm 2021 tại Florida, Hoa Kỳ.

Khẩu hiệu: Confidently Beautiful (Vẻ đẹp tự tin)
Website: https://www.missuniverse.com

Cách chọn thí sinh

Thông thường, các quốc gia sẽ tổ chức một cuộc thi hoa hậu quốc gia và người chiến thắng của cuộc thi này sẽ đại diện quê hương mình đi tranh tài với đối thủ trên khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe Organization).

Những quốc gia thành công nhất ở cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ bao gồm Hoa Kỳ (8 lần), Venezuela (7 lần), Puerto Rico (5 lần) và Phillipines (4 lần). Một số quốc gia khác cũng có thành tích khá tốt tại cuộc thi này như Canada, Mexico, Cộng hòa Dominican, Brazil, Nhật Bản và Úc. Những quốc gia gần đây nhất mới tham dự là Gabon và Litva (2012); Azerbaijan (2013); Sierra Leone (2016); Campuchia, Lào và Nepal (2017); Armenia, Kyrgyzstan và Mông Cổ (2018), Bangladesh và Guinea Xích Đạo (2019), Cameroon (2020). Hiện nay có hai quốc gia có mặt tại Hoa hậu Hoàn vũ từ năm đầu tiên đến nay là Canada và Pháp (tính tới năm 2021).

Tại một số nước châu Âu, thí sinh 17 tuổi cũng có thể tham gia thi hoa hậu trong khi giới hạn tuổi của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ là 18 tuổi. Do vậy, đã từng có trường hợp một số quốc gia phải cử Á hậu đi thay thế cho các Hoa hậu chưa đủ tuổi.

Các thí sinh tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ sẽ phải tham gia nhiều phần thi khác nhau như áo tắm, trang phục dạ hội, trang phục dân tộc, phỏng vấn và các hoạt động xã hội như trình diễn thời trang, làm từ thiện. Không giống ba cuộc thi còn lại, Hoa hậu Hoàn vũ không có phần thi tài năng hoặc phần thi tài năng không được chú trọng.

2. Hoa hậu Thế giới

Hoa hậu Thế giới (tiếng Anh: Miss World) là cuộc thi sắc đẹp toàn cầu lâu đời và lớn thứ 2 trên thế giới theo Missosology và Globals Beauties với quy mô hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự mỗi năm. Cùng với Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Quốc tế và Hoa hậu Trái Đất được gọi chung là Tứ đại Hoa hậu. Cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên bởi Eric Morley vào năm 1951.

Năm 2000 khi ông qua đời thì vợ của ông là bà Julia Morley đã thay ông lên nắm quyền điều hành cuộc thi.

Người đoạt vương miện Hoa hậu Thế Giới sẽ đại diện cho Tổ chức Hoa hậu Thế giới (Miss World Orgnization – MWO) tham gia những hoạt động từ thiện trên khắp thế giới.

Khẩu hiệu: Beauty with a purpose (Sắc đẹp vì mục đích cao cả)
Website: https://www.missworld.com

Tổ chức Hoa hậu Thế giới

Tổ chức Hoa hậu Thế giới sở hữu cuộc thi Hoa hậu Thế giới và tổ chức sự kiện này mỗi năm một lần. Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1951, tổ chức Hoa hậu Thế giới đã quyên góp được 250 triệu bảng Anh cho các tổ chức từ thiện vì trẻ em. Tổ chức Hoa hậu Thế giới ký kết các bản quyền thương mại tới hơn 100 quốc gia. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoa hậu Thế giới là một công ty tư nhân do đó các số liệu, các khoản thu nhập và chi phí đóng góp cho các quỹ từ thiện không cần công khai.

Ngoài quyên góp hàng triệu bảng Anh cho các tổ chức từ thiện, tổ chức Hoa hậu Thế giới ra tiêu chí “Hoa hậu có tấm lòng nhân ái” và sau này cuộc thi có một giải thưởng riêng cho thí sinh có những đóng góp xuất sắc trong công việc từ thiện tại quê nhà.

Giải thưởng bên lề

Kể từ năm 2003 cuộc thi Hoa hậu Thế giới bắt đầu xuất hiện các phần thi phụ. Người chiến thắng tại các vòng thi phụ sẽ được vào thằng Bán kết. Các sự kiện bên lề được áp dụng từ năm 2003 là:

Hoa hậu Bãi biển: từ năm 2003 – 2015
Hoa hậu Tài năng: từ năm 2003 – hiện nay
Hoa hậu Thể thao: từ năm 2003 – hiện nay
Hoa hậu Nhân ái: từ năm 2005 – hiện nay
Hoa hậu Người mẫu: 2004, 2007 – hiện nay
Giải thưởng do khán giả bình chọn (2003, 2006, 2008, 2015, 2016)
Hoa hậu Cá tính (2003)
Hoa hậu do các thí sinh bình chọn (2004)
Thử thách đối đầu: từ năm 2017 – hiện nay

Hành trình đến vương miện Hoa hậu Thế giới

Cuộc thi thường được tổ chức vào khoảng thời gian cuối năm, tháng 11 hoặc 12.

Cuộc hành trình đến chiếc vương miện vô cùng khó khăn. Đầu tiên, thí sinh tham dự cuộc thi này phải là người đã chiến thắng tại cuộc thi hoa hậu quốc gia. Đến cuộc thi, các thí sinh sẽ tham dự vào các sự kiện được tổ chức trong cuộc thi, các gala, những buổi dạ hội và các hoạt động trước khi ban giám khảo chọn ra những người xuất sắc nhất.

Cuộc thi sẽ chọn ra Top bán kết, top 5->6 (hoặc 7) và cuối cùng là Hoa hậu thế giới và 2 Á hậu. Người chiến thắng sẽ được chính đương kim Hoa hậu đeo dải băng Miss World, trao lại vương miện và ngồi trên chiếc ghế đặt ở chính giữa sân khấu còn 2 Á hậu sẽ đứng ở bên cạnh.

Số lượng thí sinh trong Top bán kết có sự thay đổi nhỏ qua mỗi năm, thông thường nằm trong khoảng từ 15-20, những năm gần đây con số thí sinh vào Bán kết ở mức 30-40 người.

Kể từ năm 2003, để sự lựa chọn được kỹ lưỡng và chính xác, các phần thi phụ được tổ chức một cách bài bản. Các thí sinh dự thi phải trải qua các phần thi Hoa hậu Bãi biển, Hoa hậu Thể thao, Hoa hậu Tài năng, Hoa hậu mặc trang phục dân tộc đẹp nhất. Các thí sinh chiến thắng các phần thi phụ này sẽ được đặc cách vào thẳng Bán kết.

Hoa hậu Bãi biển (Beach Beauty): Chọn ra những thí sinh có hình thể đẹp nhất. Trong phần thi này, vóc dáng, vẻ đẹp hình thể và các chỉ số 3 vòng là tiêu chí để chấm điểm. Ngoài danh hiệu, phần thi này còn chọn ra top 10, top 5.
Hoa hậu Thể thao (Miss Sport): Là phần thi mà các thí sinh sẽ phải trải qua các hoạt động thể thao như chạy, bơi lội, bóng chuyền… để bộc lộ khả năng chơi thể thao và rèn luyện sức khỏe, thể hình của mình. Các phần thi thường được tổ chức theo nhóm ứng với mỗi khu vực.
Hoa hậu Tài năng (Talent Show): Là phần thi mà các thí sinh có cơ hội thể hiện tài năng, năng khiếu, sở trường của mình. Mỗi thí sinh có thể đăng ký một tiết mục trình diễn trên sân khấu. Thông thường, phần thi tài năng các thí sinh Miss World thường lựa chọn là hát, múa, chơi đàn, thổi sáo, diễn kịch, kể chuyện…
Hoa hậu Thời trang, hoặc Trang phục Dân tộc, (Top Model): Là phần thi mà thí sinh sẽ trình diễn các mẫu thiết kế thời trang hoặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Đây là phần thi mà khán giả sẽ phải choáng ngợp bởi rất nhiều bộ trang phục rực rỡ, nhiều màu sắc được trình diễn bởi các người đẹp. Phần thi cũng công bố top 10, top 5.
Ngoài ra, ở Miss World còn có thêm giải phụ Hoa hậu Nhân ái (Beauty with a Purpose). Đây là giải thưởng dành cho hoa hậu trước khi đến với cuộc thi đã có những hoạt động xã hội có ý nghĩa cao cả. Giải thưởng này có cách trao khá giống với giải thưởng Sắc đẹp vì một mục tiêu (Beauty for a Cause) của cuộc thi Hoa hậu Trái Đất. Những việc làm đó sẽ phải được minh chứng bằng một video clip ghi lại hoạt động của thí sinh gửi cho Ban tổ chức. Giải thưởng này được công bố trong đêm chung kết

Ngoài ra, cuộc thi cũng có giải thưởng “Hoa hậu Thân thiện” nhưng hiện tại giải thưởng này đã được lược bỏ. Tuy nhiên, đôi khi người ta hay nhầm lẫn giữa “Hoa hậu Nhân ái” với “Hoa hậu Thân thiện”.

Đêm chung kết cuộc thi, mở đầu đồng loạt các thí sinh sẽ có màn trình diễn váy và áo tắm, sau đó từng nhóm thí sinh (theo từng khu vực) được xướng tên quốc gia sẽ lần lượt ra mắt khán giả.

Sau đó tất cả các thí sinh, trong trang phục dạ hội, sẽ được tập hợp lại để chuẩn bị nghe công bố kết quả. Mở đầu là màn xuất hiện của 4 thí sinh được đặc cách do đoạt các danh hiệu Hoa hậu Bãi biển, Hoa hậu Thể thao, Hoa hậu Mặc trang phục dân tộc đẹp nhất), sau đó Ban giám khảo công bố thí sinh đoạt danh hiệu Hoa hậu nhân ái. Tất cả các thí sinh đoạt các giải phụ này đều được đặc cách thẳng vào top Bán kết. Tiếp đến, MC sẽ công bố những người còn lại lọt vào top bán kết. Các thí sinh còn lại này được ban giám khảo lựa chọn ngẫu nhiên (không tính yếu tố vùng miền) hoặc lựa chọn theo vùng miền (mỗi khu vực thường có khoảng 2 đại diện).

Sau đó chọn tiếp top 5 (hoặc 6) và cuối cùng, lần lượt Á hậu 2, Á hậu 1 và Hoa hậu Thế giới sẽ được trưởng Ban tổ chức, bà Julia Morley công bố (trừ năm 2018, cuộc thi chỉ chọn ra một Á hậu duy nhất và Hoa hậu). Các giải thưởng được công bố liên tục vào cuối đêm chung kết. Hiện cuộc thi đã bỏ màn trình diễn áo tắm và trang phục dạ hội riêng của Top bán kết như ba cuộc thi còn lại.

Từ năm 2009, trong đêm chung kết có thêm phần trình diễn Dances of the World (Các điệu nhảy của thế giới). Đây là một phần trình diễn không tính điểm. Phần trình diễn luôn luôn được chờ đợi trong mỗi đêm chung kết và là một trong số những đặc sắc của cuộc thi. Cùng với đó, phần trình diễn trang phục áo tắm mở màn của đêm chung kết cũng dần được tối giản và bỏ hẳn khỏi nội dung đêm chung kết.

Những năm gần đây, cuộc thi có thêm phần Bình chọn thí sinh qua trang web chính thức cuộc thi (www.missworld.tv). Kết quả bình chọn có năm chỉ là một căn cứ hỗ trợ cho sự đánh giá tính điểm của Ban giám khảo, có năm giải thưởng Bình chọn nhiều nhất được đặc cách thẳng vào bán kết.

Xem thêm: Top 100 gương mặt đẹp nhất thế giới 2020

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version