Kể từ khi lãnh đạo quân đội nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong trận Điện biên phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm 1954 đến nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị tướng tài ba lỗi lạc trong lòng người dân Việt Nam, mà còn là một vị tướng huyền thoại được thế giới công nhận. Bản lĩnh quân sự và lý tưởng cao cả của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thu phục cộng đồng quốc tế. Ngay cả các nước phương Tây, thậm chí là những quốc gia từng là kẻ thù của Việt Nam, cũng phải “ngả mũ nghiêng mình” trước những chiến công đã được ghi vào lịch sử quân sự thế giới của ông. Cùng nhìn lại những ngợi ca của cộng đồng quốc tế đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Võ Nguyên Giáp (25 tháng 8 năm 1911 – 4 tháng 10 năm 2013), tên khai sinh là Võ Giáp, còn được gọi là tướng Giáp hoặc anh Văn, là một nhà lãnh đạo quân sự và chính trị gia người Việt Nam. Ông là Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong những người thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Chính phủ Việt Nam đánh giá là “người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”,là chỉ huy trưởng của các chiến dịch trong Chiến tranh Đông Dương (1946–1954) đánh đuổi Thực dân Pháp, Chiến tranh Việt Nam (1960–1975), thống nhất đất nước và Chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979) chống quân Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc. Xuất thân là một giáo viên dạy lịch sử, ông trở thành người được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam.
Đại tướng Marcel Bigeard, vị tướng danh tiếng từng tham gia chỉ huy quân đội Pháp trong trận chiến Điện biên phủ, nhận xét: “Với trận thắng Điện biên phủ, Tướng Giáp đã chỉ huy quân đội của ông thành công trong hơn 30 năm. Điều này tạo thành một sức mạnh chưa từng có…”. Đối đầu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên mặt trận Điện Biên Phủ, nhưng cựu thứ trưởng Quốc phòng Pháp Marcel Bigeard vẫn phải thừa nhận: “Hồi ấy, nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”. Điều đó cho thấy sức thuyết phục của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tất cả mọi người, kể cả đối thủ. Ông Bigeard nói thêm rằng: “Không phải hiện nay mà muôn đời sau, tôi tin rằng cuộc đời và sự nghiệp đầy huyền thoại của đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là tấm gương, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam”.
Cho đến lúc qua đời, vị đại tướng 4 sao của quân đội Mỹ William Westmoreland -Tổng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ trên chiến trường Đông Dương, cũng là người đối đầu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những năm kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam vẫn không tin rằng mình từng thất bại tại chiến trường Việt Nam, nơi ông đã chỉ huy một lực lượng binh lính đông đảo nhất trong suốt cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Tuy đã thất bại nhưng ông không thể phủ nhận sức mạnh của Quân Giải phóng Miền nam Việt Nam, đặc biệt ông rất tôn trọng đối thủ của mình – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Quốc phòng và là Tổng tư lệnh Quân đội Việt Nam. Ông từng nói: “Những phẩm chất làm nên một nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại là khả năng đưa ra quyết định, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung và một trí tuệ hội tụ được những phẩm chất này. Tướng Giáp đã sở hữu tất cả”.
Trên thế giới cũng đã có không ít những cuốn sách lịch sử, những thước phim tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp và tài cầm quân hiếm có của Tướng Giáp. Đại tướng Anh Peter Macdonald, đồng thời là một nhà phân tích về chiến lược, trong cuốn “Giap an assessment” có viết: “Võ Nguyên Giáp đã có 30 năm làm tổng tư lệnh quân đội và gần 50 năm tham gia vào những suy tính chính trị ở cấp cao nhất: đó là hai sự kiện chưa từng có trong lịch sử thế giới. Vả lại, khó so sánh ông với những tướng lĩnh khác, sự kết hợp giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy ở một trình độ như vậy trước đây cũng chưa từng có. Tướng Giáp đã chứng tỏ những phẩm chất mưu lược trong tất cả những lĩnh vực chủ yếu của chiến tranh”. Sử gia Stanley Karnow đã xếp tướng Giáp ngang với những danh nhân quân sự lừng lẫy thế giới: “Ông là người ngang hàng với các nhà lãnh đạo quân sự vang dội như Grant, Lee, Rommel và MacArthur”. Cũng về Tướng Giáp,“Bách khoa toàn thư quân sự” Bộ Quốc phòng Mỹ, xuất bản năm 1993 viết: “Tài thao lược của Tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao… Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”. Cuốn “Những vị tướng lừng danh” xuất bản ở London, thì viết: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua… những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”.“Tân bách khoa toàn thư” của nước Anh (xuất bản năm 1985) trong chuyên mục giới thiệu các danh tướng thế giới từ thời cổ đại cho đến ngày nay, đã giới thiệu hai danh tướng Việt Nam là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tờ Guardian (Anh) bình luận Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những thiên tài quân sự vĩ đại của thời kỳ sau Thế chiến thứ II. Ông là một vị anh hùng dân tộc Việt Nam tiếng tăm chỉ đứng sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong khi đó, hãng tin Bloomberg dẫn lời nhà báo từng đoạt giải Pulitzer Stanley Karnow nhận định năm 2008: “Ông là một vị tướng tự học và chìa khóa của tài chỉ huy quân sự của ông là chiến lược kiên trì bền bỉ tuyệt đối”. Hãng tin AP nhận xét sau Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp “là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20″. Tờ New York Times bình luận về khả năng lãnh đạo quân đội của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Là chính khách có quan điểm cứng rắn nhưng sau khi chấm dứt cuộc chiến và khi Việt Nam thống nhất, ông lại mềm mỏng”. Báo chí thế giới cũng đánh giá Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc nhất của thế kỷ 20. Ông được xướng danh cùng các vị tướng nổi tiếng như Nguyên soái Gregory Zhukov của Liên Xô, Tướng Dwight D. Eisenhower của Mỹ…