Các thị quốc Pyu – Di sản văn hóa thế giới ở Myanmar

Các thị quốc Pyu là tên gọi chung cho các thành phố cổ tồn tại như một quốc gia của người Pyu ở miền Bắc và Trung Myanmar (khu vực Thượng Miến Điện) từ thế kỷ 2 trước công nguyên (TCN) cho đến thế kỷ 9. Người Pyu là một trong những dân tộc tổ tiên của người Myanmar.

Tên tiếng Anh: Pyu Ancient Cities
Năm công nhận: 2014
Tiêu chí: (ii)(iii)(iv)
Diện tích: 5.809 ha với vùng đệm 6,790 ha

Thư tịch cổ Trung Quốc gọi quốc gia của người Pyu là nước Phiêu, có tới 18 vương quốc Phiêu – mỗi một vương quốc là một thành phố (thị quốc). Quy mô đất đai của mỗi thị quốc Pyu vào khoảng 660-1400 ha. Số dân của cả vương quốc Phiêu vào khoảng vài trăm ngàn người. Người Phiêu theo đạo Phật.

Tại đây, những thị quốc chính là Tagaung; Halin; Maingmaw; Binnaka; Beikthano; Sri Ksetra. Các thị quốc Pyu không thống nhất thành một vương quốc, nhưng các thị quốc mạnh hơn thường chiếm ưu thế và nhận cống nạp từ các thị quốc nhỏ. Thị quốc lớn nhất là Sri Ksetra.

Các thị quốc đã phát triển mạng lưới giao dịch thương mại với nhau và với các trung tâm thương mại khác tại khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ.

Thời đó con đường thương mại từ Trung Quốc sang Ấn Độ đi qua Myanmar. Tuy nhiên người Pyu có một lộ trình khác, đi về phía Nam ra biển, sau đó đi về phía Tây tới Ấn Độ và phía Đông để tới Đông Nam Á.

Trong thế kỷ thứ 7 người Pyu dịch chuyển trung tâm của quốc gia lên phía Bắc, để lại Sri Ksetra như là trung tâm hạng hai với vai trò chủ yếu là thương mại. Tuy nhiên đô thị trung tâm của nước Phiêu đã bị vương quốc láng giềng cướp phá vào giữa thế kỷ thứ 9. Sự kiện này dẫn đến sự diệt vong của các thị quốc Pyu.

Các thị quốc Pyu xưa nay chỉ còn lại các tàn tích như móng nhà, tường thành, hào bao quanh thành, bảo tháp Phật giáo, các dấu vết của hệ thống thủy nông phục vụ canh tác nông nghiệp.

Sự tương tác hòa hợp giữa văn hóa Pyu bản địa với văn hóa Ấn Độ, tạo điều kiện cho Phật giáo có được chỗ đứng lâu dài đầu tiên của mình tại Đông Nam Á. Tại đây hình thành nên các hình thức kiến trúc sáng tạo trước đây chưa từng có – Đô thị Pyu Phật giáo. Sự phát triển của văn hóa Đô thị Pyu Phật giáo đã có tác động rộng rãi, lâu dài và là hình mẫu cho các quốc gia khác tại Đông Nam Á.

Tại các thị quốc Pyu đã xuất hiện các cộng đồng tu viện Phật giáo có học thức; việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp dựa trên quản lý có hiệu quả về tài nguyên nước khan hiếm theo mùa với hệ thống kênh, đập và hồ chứa; xuất hiện các chuyên ngành sản xuất hàng hóa như đồ gốm, đồ chế tác từ sắt, vàng, bạc và đá quý cao cấp sử dụng cho mục đích tôn giáo và thương mại.

Tại đây đã thúc đẩy việc xây dựng các công trình từ kỹ thuật xây dựng bằng gỗ trước đó thành kỹ thuật xây dựng các vật liệu bền vững như gạch, đá.

Việc ứng dụng các công nghệ mới trong quản lý tài nguyên nước, nông nghiệp và sản xuất gạch và sắt tại thị quốc Pyu tạo ra những tiến bộ đáng kể trong quy hoạch đô thị và xây dựng tòa nhà.

Trong các thị quốc Pyu đã phát triển phương thức sử dụng các bình đựng di cốt hỏa táng để chôn cất; sử dụng tiền đúc bằng bạc và là mô hình cho hầu hết các loại tiền đúc sau này tại khu vực Đông Nam Á.

Hình thái Đô thị Pyu Phật giáo là một hình hình mẫu với đặc trưng bởi 1 vòng thành xây dựng kiên cố, mạng lưới đường giao thông và kênh mương nối không gian đô thị bên trong thành với các khu vực rộng lớn bên ngoài thành. Trong thành là nơi ở của các hộ dân, nơi bố trí các kiến trúc tôn giáo với các bảo tháp, tu viện. Điểm giữa của thành là hoàng cung, trung tâm chính trị, kinh tế và xã hội Pyu. Các thị quốc thường được quy hoạch có mặt bằng theo dạng hình vuông, chữ nhật và có cả hình tròn, sử dụng đến 12 cổng ra vào. Thành được đặt theo một trục không gian nào đó, liên quan đến tự nhiên. Công trình Phật giáo như chùa tháp, tu viện chịu ảnh hưởng của kiến trúc vùng Đông Nam Ấn Độ.

Có 3 thị quốc chính là Halin, Beikthano và Sri Ksetra. Đây là các minh chứng nổi bật cho các hoạt động về thương mại, tổ chức tôn giáo cũng như xây dựng hệ thống công trình kiến trúc và tưới tiêu nông nghiệp. 3 thành phố phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của Vương quốc Pyu trong hơn 1.000 năm từ năm 200 TCN đến năm 900 sau Công nguyên.

Ba thành phố là các địa điểm khảo cổ được khai quật một phần.
Những di tích khám phá được bao gồm một phần các bức tường thành, đường xá, cung điện, tu viện, khu chôn cất, địa điểm sản xuất, bảo tháp Phật giáo bằng gạch hoành tráng và các công trình quản lý nước (một số vẫn còn được sử dụng) thể hiện một nền nông nghiệp thâm canh có tổ chức trong vùng khô hạn của lưu vực sông Ayeyarwady (Irrawaddy).

Các thành phố cổ Pyu cung cấp bằng chứng sớm nhất về sự du nhập của Phật giáo vào Đông Nam Á gần hai nghìn năm trước với những chuyển đổi kinh tế, chính trị xã hội và văn hóa dẫn đến sự hình thành các khu định cư đô thị hóa đầu tiên, lớn nhất và lâu đời nhất tại khu vực này cho đến thế kỷ thứ 9.

Các thành phố cổ Pyu đã cho thấy một khả năng nổi bật trong việc đồng hóa các ảnh hưởng của đức tin ngoại nhập từ Ấn Độ để chuyển sang một mức độ văn hóa mới.

Những người Pyu đã tạo ra một hình thức đô thị hóa đặc biệt, dạng đô thị mở (mở về đức tin, giai tầng xã hội, sản xuất, giao thương và cả về không gian với bên ngoài), sau đó đã tác động đến quá trình đô thị hóa ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. Ngoài ra, những thị quốc Phật giáo sớm nhất này còn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình truyền tải văn hóa.

Các di tích tôn giáo tại đây vẫn tiếp tục được tôn kính bởi những người hành hương Phật giáo từ khắp khu vực xung quanh.

Bản đồ Các thị quốc Pyu: Halin, Beikthano, Sri Ksetra

Thị quốc Sri Ksetra

Thị quốc Beikthano

Thị quốc Halin

Video về Các thị quốc Pyu

 Những Di sản Văn hóa/Thiên nhiên Thế giới được UNESCO công nhận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version